Đảng ta ra đời vào mùa xuân-mùa xuân của đất nước và dân tộc. Thế là từ bấy đến nay, nhất là từ khi nước nhà độc lập, thống nhất, cứ mỗi lần Tết đến, Xuân sang, nhân dân ta lại một lần mừng năm mới, mừng xuân, mừng Đảng, mừng đất nước, mừng dân tộc. Những cái mừng ấy hòa quyện với nhau làm một, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để Tổ quốc đi lên.
Nếu có ai hỏi trong 24 cái Tết ấy, Tết nào là Tết đặc sắc nhất của Bác, câu trả lời sẽ là: Không! Không thể nói Tết nào là đặc sắc nhất, bởi mỗi cái Tết của Bác đều có nét đặc sắc riêng, không thể nào đo đếm đơn thuần được. Nhưng nếu lựa chọn bất kỳ, thì mùa xuân này, tôi xin lấy Tết Mậu Tý 1948 làm ví dụ. Mậu Tý 1948 cách Mậu Tuất 2018 vừa tròn 70 năm.Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của Đảng và của dân tộc ta, là hiện thân sáng ngời của cách mạng và kháng chiến, của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cho đến khi Bác về cõi vĩnh hằng, Người đã có 24 năm cùng toàn dân và toàn quân đón Tết, vui Xuân. Năm nào Bác cũng có thư hoặc thơ chúc Tết.
Mậu Tuất 2018 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cũng là năm thứ ba của giai đoạn phấn đấu nước rút, nhằm sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Còn Mậu Tý 1948 cũng là năm thứ ba của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kể từ khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ; là năm mở đầu cho giai đoạn cầm cự để tiến lên chuẩn bị tổng phản công trong giai đoạn tiếp theo.
Năm ấy, quân và dân ta vừa trải qua một cuộc thử lửa, đập tan cuộc tiến công chiến lược Thu-Đông của kẻ thù hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến ngay tại căn cứ địa Việt Bắc. Năm ấy, trong âm vang còn sôi nóng của chiến thắng, Bác Hồ đã gửi “Thư chúc Tết” đến đồng bào và chiến sĩ cả nước:
Năm Hợi đã đi qua
Năm Tý vừa bước tới
Gửi lời chúc đồng bào
Kháng chiến được thắng lợi…
Ngày 7-2-1948 (tức 28 tháng Chạp năm Đinh Hợi), Bác mời đại biểu Ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy… đến dự bữa cơm liên hoan Tất niên và đón mừng năm mới. Bàn chuyện kháng chiến, Người nói: “Trường kỳ kháng chiến thì phải trường kỳ động viên. Động viên tinh thần, động viên vật chất, động viên sức người, sức của để thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, làm cho thế và lực của ta mau chuyển biến”.
Ngày 24-2-1948 (tức Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý), Bác viết thư khen toàn thể bộ đội Khu 2 và Khu 3 về thành tích xóa xong nạn mù chữ. Trong thư, Người nêu rõ: “Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm... Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng”. Người còn dặn: “Sự học hỏi là vô cùng… Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch”.
Đêm đến, sau khi dự một hội nghị ở chốn “yên ba thâm xứ”, Người xuôi thuyền về căn cứ. Nhân trăng sáng, cảnh đẹp, Người làm bài thơ chữ Hán với đầu đề “Nguyên tiêu”; dịch là:
Rằm tháng Giêng
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
(Bản dịch của Xuân Thủy)
Bàn việc quân mà lời thơ thật tao nhã, thật cao sâu!
Trước và sau Tết Mậu Tý 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách lớn để đẩy mạnh kháng chiến. Người chủ tọa Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) để đánh giá những chuyển biến trong so sánh lực lượng địch-ta và đề ra những nhiệm vụ chính trị, quân sự, kinh tế. Người chủ trì nhiều cuộc họp của Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Liên bộ bàn các vấn đề tổ chức và nhân sự, phong quân hàm, phát triển phong trào thi đua.
Người đã ký hàng loạt sắc lệnh phong quân hàm cho nhiều tướng lĩnh có võ công xuất sắc, hợp nhất các khu thành liên khu, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo các ủy ban kháng chiến hành chính các miền, các khu, các bộ và các ngành Trung ương, đánh dấu bước cải tổ quan trọng bộ máy quân đội và chính quyền các cấp.
Theo Sắc lệnh số 110/SL ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Võ Nguyên Giáp. Các sắc lệnh khác phong quân hàm Trung tướng cho Khu trưởng Chiến khu 7 kiêm Ủy viên quân sự Nam Bộ Nguyễn Bình; phong quân hàm Thiếu tướng cho: Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hoàng Văn Thái, Khu trưởng Chiến khu 4 Nguyễn Sơn, Khu trưởng Chiến khu 2 Hoàng Sâm, Khu trưởng Chiến khu 1 Chu Văn Tấn, Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ Trần Tử Bình, Cục trưởng Cục Chính trị Văn Tiến Dũng, Chính ủy Chiến khu 2 Lê Hiến Mai, Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa.
Về chính quyền, Người ký sắc lệnh công nhận các ông: Lê Đình Thám làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính Nam Trung Bộ; Hồ Tùng Mậu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính Liên khu 4…
Gửi thư tới Hội nghị Tình báo toàn quốc, Người biểu dương những cố gắng, sáng kiến của các cán bộ và nhắc nhở: “Từ trên xuống dưới, mọi người phải cố gắng nghiên cứu, học tập. Ta chớ giấu dốt, chớ xấu hổ, học hỏi lẫn nhau, học hỏi người ngoài. Tổ chức của ta còn trẻ, kinh nghiệm còn ít. Ta chỉ có một cách để theo kịp và đi quá người: Là ra sức học hỏi”.
Gửi thư cho Giám đốc Sở Công an Khu 12, Người nêu lên 6 điều về “tư cách của người công an cách mệnh”, mà cho đến tận ngày nay, ngành công an vẫn liên tiếp phát động các phong trào học tập.
Gửi thư tới Hội nghị Tư pháp toàn quốc, Người căn dặn: Với tư cách là người thi hành pháp luật, “phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” (phụng công, thủ pháp là chăm lo việc công, giữ gìn pháp luật).
Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ lãnh đạo phải biết trọng dụng nhân tài, tôn trọng và học hỏi nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân sĩ, trí thức. Bác tặng tướng Nguyễn Sơn, vị tướng giàu tài năng và cá tính, bức thiếp thư bằng chữ Hán, đại ý là:
Tặng chú Sơn:
Cái gan cần phải to lớn
(nhưng) Cái tâm thì nên tế nhị, chín chắn.
Cái trí phải suy nghĩ cho toàn diện
(và) Đức hạnh phải vuông vắn, ngay thẳng.
Xuân Mậu Tý 1948 cũng như mọi mùa xuân khác, trước đó cũng như sau này, Bác Hồ luôn hết lòng chăm lo cho đất nước, cho dân tộc, cho Đảng, cho công việc và cho mỗi con người.
Xuân Mậu Tuất 2018 năm nay, cũng như bao mùa xuân khác từ khi Người về cõi vĩnh hằng, chúng ta vẫn thấy như luôn có Bác bên mình. Mong xuân này sẽ khởi đầu một năm mới đầy khởi sắc. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy lãnh đạo và quản lý tinh gọn, hiệu quả sẽ gặt hái thêm nhiều kết quả mới; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh, để vườn xuân đất nước ngày càng nảy lộc, đơm hoa, kết trái.
Cụ thể: Triển lãm “Tinh hoa mỹ thuật Đà Nẵng 2008 - 2018” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật từ nay đến ngày 8/1/2019. Triển lãm “Sưu tập đá cảnh thiên nhiên của người Đà Nẵng” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng từ ngày 28/12/2018 đến ngày 07/01/2019. Tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, vào sáng 29/12/2018 sẽ diễn ra Chương trình “Tổng kết, trao giải Cuộc vận động sáng tác ca khúc về thành phố Đà Nẵng năm 2018”.
Đặc biệt, vào đêm 31/12/2018, trong thời khắc bước sang năm mới 2019, tại Quảng trường 29/3 (đường 2/9, TP. Đà Nẵng) diễn ra chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng chào xuân" và "Countdown 2019”. Khán giả sẽ có cơ hội được hòa mình trong một bầu không khí sôi động với những màn trình diễn ấn tượng của các ca sĩ nổi tiếng và những DJ được mong đợi nhất.
Cũng trong những ngày đầu năm mới 2019, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn diễn ra hàng loạt các sự kiện văn hóa nghệ thuật khác như: hoạt động đón du khách đầu tiên vào tham quan Bảo tàng Đà Nẵng vào ngày Tết Dương lịch 1/1/2019; chương trình biểu diễn nghệ thuật chào đón năm mới 2019 tại Công viên bờ Đông cầu Rồng ngày 5/1/2019; chương trình nghệ thuật “Đêm dạ vũ - Hẹn nhau ngày đó” tại Nhà hát Trưng Vương ngày 6/1/2019; chương trình Vũ hội đường phố, biểu diễn nhạc hơi các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế, kết hợp với những vũ công có hoá trang trên đường Trần Hưng Đạo diễn ra ngày 26/01/2019 và ngày 23/02/2019…
Trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán (ngày 4/2), tại Công viên bờ Đông cầu Rồng sẽ diễn ra chương trình “Mừng Đảng, đón Xuân Kỷ Hợi 2019” do Nhà hát Trưng Vương phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Sơn Trà phối hợp tổ chức. Bên cạnh đó, từ ngày 19/1 đến ngày 14/2/2019, tại Đà Nẵng cũng tổ chức triển lãm “Mùa xuân con giáp - Kỷ Hợi” cùng các hoạt động trải nghiệm cho công chúng và du khách; hoạt động đón và tặng quà cho những vị khách xông đất Đà Nẵng nhân dịp Tết Nguyên Đán 2019.
Theo dự kiến của Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng, thành phố sẽ bắn pháo hoa với thời lượng 15 phút chào mừng kỷ niệm 22 năm TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương tại cầu Nguyễn Văn Trỗi hoặc trên sà lan giữa sông Hàn vào lúc 21 giờ ngày 01/01/2019 và bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại 03 điểm: trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu, khu Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang và trên cầu Nguyễn Văn Trỗi./.
III. Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 01/2019
Thay đổi cách thức thi tuyển, tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; Danh mục thuốc được BHYT chi trả; Nhà mạng phải đảm bảo bí mật thông tin người dùng; Phạt đến 5 triệu đồng các hành vi trêu ghẹo, xúc phạm nhân viên hàng không; Áp dụng mức chi mới đối với chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến.... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2019.
Thay đổi cách thức thi tuyển, tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, thi tuyển công chức và viên chức được thực hiện theo 2 vòng thi: Thi trắc nghiệm; thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Vòng 1 thi trắc nghiệm được xác định kết quả theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi quy định nêu trên, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2. Thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính (nếu không có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy). Nội dung thi trắc nghiệm gồm 3 phần: Kiến thức chung; Ngoại ngữ; Tin học (tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học).
Vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành theo hình thức phỏng vấn hoặc thi viết. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức, viên chức phải có đủ các điều kiện sau: Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên; có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm. Trường hợp có từ 2 người trở lên có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau. Nội dung thi kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển công chức, viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau bảo đảm phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Trường hợp vòng 2 được tổ chức bằng hình thức phỏng vấn thì không thực hiện việc phúc khảo. Thang điểm (thi phỏng vấn hoặc thi viết) 100 điểm. Thời gian thi phỏng vấn 30 phút, thi viết 180 phút.
Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/1/2019.
Danh mục thuốc được BHYT chi trả
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Thông tư số 30/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Theo đó, danh mục thuốc hóa dược và sinh phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo BHYT có: Thuốc gây tê, gây mê, thuốc giãn cơ, giải giãn cơ; thuốc giảm đau, hạ sốt; thuốc chống viêm không steroid; điều trị gút và các bệnh xương khớp; thuốc chống dị ứng…
Danh mục thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT có: Carbon 11 (C-11), coban 57 (Co-57), Cesium 137 (Cesi-137)…
Thông tư số 30/2018/TT-BYT cũng quy định thanh toán cụ thể đối với các thuốc điều trị ung thư như sau: Chỉ được sử dụng để điều trị ung thư tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng điều trị ung thư (bao gồm cơ sở ung bướu, huyết học truyền máu và y học hạt nhân; các khoa, đơn vị ung bướu, huyết học truyền máu và y học hạt nhân trong viện, bệnh viện chuyên khoa hoặc đa khoa) và phải do bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề, phạm vi hoạt động chuyên môn là ung bướu hoặc huyết học truyền máu chỉ định.
Nhà mạng phải đảm bảo bí mật thông tin người dùng
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-BTTTT quy định về hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung trong lĩnh vực viễn thông.
Tại Thông tư số 16/2018/TT-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các nhà mạng trong việc thực hiện hợp đồng với khách hàng. Theo đó, các nhà mạng có nghĩa vụ đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng và chỉ được chuyển giao thông tin cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của khách hàng, trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Các nhà mạng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng theo đúng chất lượng đã công bố; Không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Trong trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông, nhà mạng phải thông báo cho khách hàng trước 30 ngày.
Về việc giải quyết khiếu nại, Thông tư số 16/2018/TT-BTTTT đã bỏ quy định doanh nghiệp viễn thông phải giải quyết khiếu nại của khách hàng trong 05 ngày, mà chỉ quy định việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo thời hạn quy định của pháp luật.
Thông tư số 16/2018/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 21/01/2019.
Phạt đến 5 triệu đồng các hành vi trêu ghẹo, xúc phạm nhân viên hàng không
Có hiệu lực từ ngày 15/1/2019, Nghị định số 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo đó, phạt đến 5 triệu đồng các hành vi trêu ghẹo, xúc phạm nhân viên hàng không. Mức phạt trên cũng áp dụng đối với một trong các hành vi: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay; thuê, lôi kéo hoặc xúi giục người khác đánh nhau hoặc đánh nhau tại cảng hàng không, sân bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không tổ chức kiểm tra an ninh tàu bay trước chuyến bay theo quy định; thuê, lôi kéo hoặc xúi giục người khác đánh nhau hoặc đánh nhau trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay; có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;...
Đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Xâm nhập trái phép vào tàu bay; hành hung thành viên tổ bay, hành khách, người khác trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đưa công cụ hỗ trợ, chất dễ cháy, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn và các loại vũ khí, đồ vật khác có hình dạng, tính năng, tác dụng tương tự vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay trái quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; phát ngôn đe dọa an toàn hàng không mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đưa vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng.
Áp dụng mức chi mới đối với chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 101/2018/TT-BTC quy định cụ thể về mức chi thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) quản lý.
Theo đó, mức chi xây mới, nâng cấp vỏ mộ, bia (không gắn liền với dự án công trình xây dựng, nâng cấp nghĩa trang) thực hiện theo quyết định phê duyệt dự toán của cấp có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 7 triệu đồng/mộ đối với xây mới vỏ mộ (cả bia); sửa chữa, nâng cấp vỏ mộ (cả bia), mức hỗ trợ tối đa 70% mức xây mới vỏ mộ.
Chi hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ như sau: Đối với địa phương được ngân sách trung ương bổ sung cân đối, mức hỗ trợ tối đa 70% tổng giá trị công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 10 tỷ đồng/công trình cấp tỉnh; 04 tỷ đồng/công trình cấp huyện; 0,5 tỷ đồng/công trình cấp xã. Đối với công trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp mức hỗ trợ tối đa 50% mức hỗ trợ xây dựng mới;
Đối với chi hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ: Thân nhân liệt sĩ (không quá ba người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ được cơ quan LĐTBXH cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ trong nước được hỗ trợ một lần tiền tàu xe và tiền ăn (bao gồm cả lượt đi và về), mỗi năm một lần đối với một liệt sĩ. Mức hỗ trợ theo đơn giá 2.000 đồng/km nhân với khoảng cách từ nơi cấp giấy giới thiệu đến nghĩa trang có mộ liệt sĩ hoặc địa phương nơi liệt sĩ hy sinh nhưng tối đa không quá 2.400.000 đồng/người;
Đối với chi hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ: Hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn đối với thân nhân liệt sĩ hoặc người được thân nhân liệt sĩ uỷ quyền hoặc người thờ cúng liệt sĩ (không quá ba người), mức hỗ trợ thực hiện theo quy định; Hỗ trợ kinh phí cất bốc và di chuyển một bộ hài cốt liệt sĩ: Mức chi 4.000.000 đồng; Đối với hài cốt liệt sĩ mà thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ có nguyện vọng giữ lại xây cất phần mộ tại nghĩa trang dòng họ do gia đình quản lý (không đưa vào nghĩa trang liệt sĩ) thì hỗ trợ theo quy định.
Thông tư số 101/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
III. Các hoạt động “Xuân tình nguyện” của Đoàn thanh niên thành phố Đà Nẵng tổ chức.
1. Tổ chức gặp mặt, tặng quà, động viên các hộ gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn quận Hải Châu
+ Thời gian: Tháng 01/2019
+ Địa điểm: tại UBND Quận Hải Châu - Số 270 Trần Phú, Tp.Đà Nẵng.
+ Đối tượng gặp mặt: Các hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn của quận Hải Châu.
+ Số lượng: 100 hộ gia đình, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.
+ Tổng kinh phí: 50.000.000 đồng.
2. Hoạt động hỗ trợ vé xe cho sinh viên, công nhân khó khăn về quê ăn Tết
+ Thời gian: các đơn vị khối Đại học, Cao đẳng và khối các Khu Công nghiệp tự chọn trước ngày 25/01/2019.
+ Địa điểm: Tại các đơn vị
+ Đối tượng tặng vé xe: Sinh viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết (có phân bổ số lượng riêng).
+ Số lượng: dự kiến 300 vé xe cho khối Trường học và 200 vé xe cho thanh niên công nhân đang làm việc tại các Khu Công nghiệp và Chế xuất trên địa bàn thành phố, mỗi vé trị giá 200.000 đồng.
+ Kinh phí: 100.000.000 đồng.
3. Tổ chức chương trình văn nghệ mừng Đảng đón Xuân, tặng quà cho thiếu nhi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn
- Tổ chức thi văn nghệ theo Kế hoạch riêng của Hội đồng Đội và Nhà Thiếu nhi thành phố; tặng quà cho học sinh nghèo, con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
+ Số lượng : dự kiến 100 em.
+ Thời gian : dự kiến trong tháng 01/2019.
+ Kinh phí : 50.000.000 đồng.
4. Chương trình giao lưu, thăm, tặng quà cho thanh thiếu niên tại Trường Giáo dưỡng Tân Hòa và thanh niên tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng.
+ Thời gian và địa điểm:
- Trường Giáo dưỡng Tân Hòa (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang): Vào lúc 14h30, ngày 17/01/2019 (ngày 12 tháng Chạp Âm lịch).
- Cơ sở xã hội Bàu Bàng (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang): Vào lúc 14h30, ngày 18/01/2019 (ngày 13 tháng Chạp Âm lịch).
- Nội dung: Giao lưu văn hóa văn nghệ, gặp gỡ động viên giữa đoàn viên thanh niên thành phố với các thanh niên đang học tập, sinh hoạt, rèn luyện tại các Trung tâm.
5. Chương trình “Bánh chưng xanh”.
- Nội dung: Tổ chức nấu và tặng bánh chưng.
- Thời gian: Dự kiến ngày 01 - 02/02/2019
- Địa điểm: Dự kiến tại các trung tâm bảo trợ trên toàn thành phố.
- Đối tượng: Công nhân lao động, người nghèo, thanh niên khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam.
- Kinh phí: 3.000 bánh chưng
6. Thăm tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình Cựu Cán bộ Đoàn qua các thời kỳ.
- Nội dung: tổ chức thăm hỏi, động viên các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các đồng chí là Cựu Cán bộ Đoàn qua các thời kỳ trên địa bàn thành phố.
- Thời gian: Dự kiến trong tháng 01/2019.
7. Tham gia Ngày hội “Mùa xuân biển đảo” năm 2019
- Nội dung: Thăm và tặng quà các đơn vị, tặng quà dành cho con cán bộ, chiến sĩ tại các đơn vị và các hộ ngư dân đánh bắt xa bờ có hoàn cảnh khó khăn; giao lưu văn nghệ cùng cán bộ chiến sĩ tại Vùng 3 Hải quân.
- Thời gian: dự kiến từ ngày 16 - 18/01/2019.
8. Khám bệnh, cấp phát thuốc cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
- Nội dung: Khám bệnh, cấp phát thuốc cho người dân tại khu vực Đà Sơn và Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng (Khu vực chịu ảnh hưởng ô nhiễm của bãi rác Khánh Sơn)
- Thời gian: dự kiến trong tháng 01/2019.
9. Hỗ trợ quỹ sinh kế cho thanh niên khuyết tật trên địa bàn thành phố.
- Nội dung: Hỗ trợ vốn vay cho thanh niên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
- Thời gian: dự kiến trong tháng 01/2019.
10. Thăm, động viên và tặng quà cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam.
- Nội dung: Thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng.
- Thời gian: dự kiến trong tháng 01/2019.
IV. Các hoạt động do Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn tổ chức.
- Chương trình Xuân tình nguyện.
- Chương trình Tết sum vầy và thăm thanh niên công nhân không về quê ăn Tết.
- Phát động cuộc thi ý tưởng sáng tạo trong thanh thiếu nhi, cuộc thi Dấu ấn thanh niên tình nguyện, cuộc thi viết về Thủ lĩnh trong trái tim tôi.
Download file: Tại đây.