Việc đòi hỏi một đứa trẻ phải lựa chọn thông tin để nghe, xem, đọc khi sử dụng máy tính, điện thoại là một yêu cầu khó, bởi người lớn cũng không ít lần bị cám dỗ trước những thông ...

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2024 - 2029

Gạn đục, khơi trong

Phạm Đình Quý 03-10-2021 18:10:00 MỖI NGÀY 1 TIN TỐT - MỖI ... 641+

Việc đòi hỏi một đứa trẻ phải lựa chọn thông tin để nghe, xem, đọc khi sử dụng máy tính, điện thoại là một yêu cầu khó, bởi người lớn cũng không ít lần bị cám dỗ trước những thông tin “vô thưởng vô phạt” trên môi trường mạng.

2021-10-27_15-50-196bVfqY_1e.jpg
Ngày càng có nhiều trẻ em sử dụng điện thoại để chơi game hoặc vào mạng xã hội. Ảnh: H.L

Một bà mẹ từng chia sẻ trên facebook cá nhân rằng, chị đã nhận ra mình bất lực và thua cuộc trong cuộc chiến với smartphone (điện thoại thông minh) để giành lại sự chú ý của con. Chị bảo, trước khi giao điện thoại cho con, chị từng nói chuyện cặn kẽ, từng yêu cầu con cam kết kỹ lưỡng về smartphone, chat, lướt web, TikTok, YouTube.... Thời gian đầu, con gái chị giữ đúng cam kết, cô bé tự cài ứng dụng giới hạn sử dụng facebook 30 phút/ngày vào máy tính, nhưng với điện thoại, vì yêu cầu công việc, chị không cài phần mềm này nên mỗi khi cầm đến là con gái sa đà, tới mức nghe chị gọi thì con vội đáp: “Rồi, con biết rồi”, hoặc chống chế “Con mới chơi có tí xíu”. Đỉnh điểm khiến chị không thể kiềm chế mà đập nát điện thoại của mình, là khi thấy con gái ngủ dậy, không chịu đánh răng, ăn sáng, đã “cắm mặt” vào điện thoại.

Chị chia sẻ, hồi con gái học lớp 7, chị đã năn nỉ phụ huynh trong lớp đồng lòng đừng cho con xài smartphone, nhưng rồi vẫn có nhiều cô bé, cậu bé kè kè iPhone... Con gái được chị trang bị điện thoại đời cũ, không thể vào mạng nên suốt ngày than phiền, nào “con không tự book (đăng ký - PV) xe được”, “chuông reo, con không muốn lôi ra nghe luôn, tụi bạn cứ nhìn nhìn”. “Ở lớp, học sinh thường vây quanh những bạn có smartphone để xem chung, bạn nào có smartphone xịn là có giá lắm. Tuy nhiên, cả chiếc smartphone và cảm giác “có giá” đó đều nguy hiểm”, chị băn khoăn.

Một người mẹ khác, khi thấy cậu con trai đang học lớp 7 sử dụng mạng xã hội cả ngày lẫn đêm, đã quyết định tước chiếc điện thoại mà trước đó chính gia đình đã mua cho con làm quà sinh nhật. Kết quả là cậu bé ấy bỏ về ngoại 3 ngày không nhìn mặt mẹ.

Có vô vàn video, clip với nội dung hời hợt, bạo lực, thô tục được đăng tải dày đặc trên TikTok, YouTube khiến cha mẹ lo lắng, sợ con mình ảnh hưởng rồi làm theo. Đơn cử, những clip có nội dung siêu nhân và ô-tô đa phần khai thác chi tiết các xe tông nhau trước khi lao xuống vực, xuống biển, bốc cháy, thậm chí có không ít Youtuber (người sáng tạo nội dung trên YouTube hoặc người đăng tải các video trên YouTube) muốn nói gì thì nói, thường xuyên sử dụng từ lóng, thiếu yếu tố giáo dục. Rõ ràng, rất khó để quản lý con cái sử dụng điện thoại, máy tính vào mục đích tốt hơn, ngoài chơi game hay xem các video clip “vô thưởng vô phạt” trên YouTube, TikTok, nhất là khi cha mẹ thường xuyên bận rộn.

Năm 2020, bộ phim tài liệu Mỹ “The Social Dilemma” (tạm dịch: Song đề xã hội) của đạo diễn Jeff Orlowsky đã tạo nên cơn sốt khi lý giải cơ chế gây nghiện và tác động xấu của mạng xã hội đến người dùng. Bộ phim mở đầu bằng câu hỏi: “Vấn đề ở đây là gì”? và đưa ra thắc mắc điều gì ẩn chứa đằng sau mô hình kinh doanh đôi bên cùng có lợi: Người dùng không phải trả tiền khi lướt mạng xã hội, nhà cung cấp thu tiền từ các dịch vụ quảng cáo, buôn bán đi kèm? Để làm sáng rõ vấn đề này, họ đã phỏng vấn người trong cuộc, là những nhà phát triển mạng xã hội và công cụ tìm kiếm, kỹ sư thiết kế phần mềm, nhà đạo đức thiết kế ở Facebook, Google, Twitter, Instagram, Pinterest, Snapchat… về mặt trái của mạng xã hội.

Để người xem dễ hình dung, bộ phim xen kẽ những tình huống về nhân vật sử dụng mạng xã hội, như Ben (nhân vật do diễn viên Skyler Gisondo đóng), một thanh niên Mỹ thường xuyên sử dụng facebook để kết nối, tương tác với bạn bè. Mỗi khi cậu sử dụng máy tính, đằng sau màn hình bắt đầu xuất hiện sự vận hành của thuật toán máy tính với nhiều tầng lớp, đan xen và tác động đến suy nghĩ, hành động của người dùng. Nhiều người khi xem xong bộ phim này đã thốt lên rằng, máy tính đang dần thâu tóm con người, thông qua những thuật toán phức tạp mà nhà thiết kế đã tạo ra. Bên cạnh yếu tố cảnh báo, bộ phim đã chuyển tải một số thông điệp liên quan đến việc hạn chế những nguy cơ do mạng xã hội gây ra, như không xem các video được đề xuất, hạn chế sử dụng điện thoại trước khi ngủ, không cho trẻ con tiếp xúc mạng xã hội quá sớm; đồng thời, khuyên con người cần cài đặt phần mềm giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội, ngăn chặn việc sử dụng trình duyệt web, các trang web cấm và các chương trình không phù hợp với trẻ em…

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thời gian qua, có rất nhiều người ỷ lại internet, Google, coi đó là “bách khoa toàn thư” khi những thông tin được đăng tải trên đó giải đáp hầu hết thắc mắc của con người. GS. Frank Gunn Moore ở Đại học St. Andrews (Scotland, Vương quốc Anh) trong một nghiên cứu của mình về internet, đã nói rằng việc ỷ lại mạng xã hội, internet, Google khiến con người có xu hướng lười vận động não bộ, lười đọc, lười ghi nhớ, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới khả năng nhận thức, suy nghĩ và hành động đúng đắn. GS. Frank Gunn Moore đưa ra lời khuyên, con người cần nghiêm túc xem xét lại thói quen lệ thuộc vào internet để tra cứu thông tin nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến não bộ và trí thông minh của mình.

Để bảo vệ trẻ trước môi trường mạng, nhiều ông bố, bà mẹ mong chờ cơ quan chức năng sớm đưa ra quy chế cụ thể cho YouTube, TikTok, Facebook, Zalo, Twitter, Instagram…, cấm xuất bản những video, clip có nội dung phản cảm, bạo lực hoặc dẫn dắt, lôi kéo con người đến hành vi bạo lực. Về phía nhà trường, nên tổ chức các chương trình ngoại khóa nói về kỹ năng sử dụng và khai thác thông tin trực tuyến, để vừa bảo đảm nhu cầu, vừa tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, internet yêu cầu con người phải tỉnh táo, biết gạn đục khơi trong trên môi trường mạng, không cho trẻ tiếp xúc quá sớm với mạng xã hội, có tài khoản riêng, tránh việc bị dụ dỗ, lôi kéo và trở thành nạn nhân của những thành phần xấu trong môi trường mạng.

HUỲNH LÊ

Theo baodanang.vn