Ngồi chia từ rau, nấm, hoa quả, đến các món ăn vặt như ram cuốn cải, bánh các loại… theo đơn hàng khách đặt, chị Trần Thị Bích Hạnh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) kể mình tập tành ...

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2024 - 2029

Trải nghiệm nghề mới

Phạm Đình Quý 10-10-2021 14:10:00 MỖI NGÀY 1 TIN TỐT - MỖI ... 805+

Ngồi chia từ rau, nấm, hoa quả, đến các món ăn vặt như ram cuốn cải, bánh các loại… theo đơn hàng khách đặt, chị Trần Thị Bích Hạnh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) kể mình tập tành buôn bán từ đầu tháng 8, khi Đà Nẵng áp dụng các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch. Chị bảo, công việc này không mấy dễ dàng, nhưng đã giúp gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

2021-10-27_15-48-20DpMEcZ_images1626327_l_m_b_nh___nh_1.jpg
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương bén duyên với công việc làm bánh sau một lần chia sẻ lên mạng xã hội những chiếc bánh mình làm cho gia đình. Ảnh: T.Y

Từ chỗ lương ổn định gần 10 triệu đồng/tháng, chị Hạnh phải nghỉ việc không lương hồi tháng 5 khi khách sạn nơi chị làm việc tạm thời đóng cửa do ảnh hưởng Covid-19.

“Lên mạng” bán hàng

Chị Hạnh bán từ bó rau, cọng hành đến hoa quả, bánh tét, trứng vịt lộn, ram, tôm cá… theo đúng kiểu: ai cần gì, mình bán nấy. Trung bình mỗi ngày chị nhận từ 10-20 đơn hàng, chủ yếu do chị em, bạn bè ở công ty, tổ dân phố đặt mua ủng hộ. Thỉnh thoảng có vài đơn hàng xa, chị đành từ chối vì chi phí giao hàng hiện nay khá cao. Theo chị Hạnh, thời điểm Đà Nẵng “ai ở đâu thì ở đó”, chị tập trung bán các mặt hàng “ăn no” như rau, cá, tôm, thịt; nay chợ truyền thống mở bán trở lại, chị chuyển qua bán hàng “ăn chơi” như xoa xoa, bánh rau cau, xương xáo, bánh ram, ít, nậm, lọc… vì nhận thấy nhu cầu này nhiều hơn.

"Làm được gì trong giai đoạn này để tạo ra thu nhập cũng là điều đáng quý, miễn đó là việc làm chính đáng, không gây tổn hại cho ai”

Chị Trần Thị Bích Hạnh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu

Để lấy được giá rẻ, mỗi mặt hàng chị Hạnh phải mua từ 5kg vì “lấy ít quá người ta không để giá sỉ”. Chị chia sẻ, thỉnh thoảng gặp ngày ế ẩm, hàng lấy về còn dư, chị chủ động nhắn vào nhóm zalo tổ dân phố nhờ hỗ trợ. “Hầu hết chị em trong tổ hiểu hoàn cảnh của tôi nên đặt mua ủng hộ; đổi lại, tôi cũng chủ động hỏi thăm nhu cầu của họ để biết mình cần mua gì về bán”, chị Hạnh nói.

Phương châm bán hàng của chị Hạnh trong mùa dịch là sẵn sàng nhận đơn hàng giá trị thấp đối với khách gần nhà. Thậm chí, có người nhắn tin mua 10.000 đồng hành lá, 5.000 đồng ớt xanh chị cũng vui vẻ đồng ý. “Tôi hiểu trong thời gian dịch bệnh, người dân hạn chế ra ngoài nên thiếu thốn nhiều thứ, có khi chỉ cần trái ớt, cọng hành để bữa ăn thêm đậm vị. Do đó, được phục vụ bạn bè, người quen trong giai đoạn này với tôi là niềm vui, chứ lời lãi không đáng là bao”, chị Hạnh chia sẻ.

Lượng khách hàng ổn định giúp nhiều người mạnh dạn đầu tư thêm thiết bị, máy móc giữ hàng tươi lâu. Chị Nguyễn Thị Thu Hà (phường An Khê, quận Thanh Khê) làm việc cho một salon tóc trên đường Lê Duẩn. Dịch bệnh bùng phát, công việc không ổn định, chị Hà chuyển qua bán hải sản online để kiếm đồng ra, đồng vào. Chị Hà vui vẻ nói, hồi tháng 4, gia đình ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) gửi ra ít hải sản, chị chụp hình đăng facebook cho vui, không ngờ nhiều người nhắn tin nhờ mua giúp. Nhận thấy đây là cơ hội kinh doanh tốt, chị Hà tìm hiểu mức giá, phí vận chuyển rồi đăng thông tin rao bán lên mạng xã hội. “Mới đầu, tôi đăng thông tin sản phẩm, ai đăng ký mua mới nói ba mẹ gửi hàng từ Lý Sơn ra. Sau này thấy người ta hỏi mua nhiều, tôi chủ động nhập hàng hằng ngày, gồm chả cá, tôm hùng bông, tôm mũ ni, cá mú, cá bò, cá bò hòm, rong, ốc biển các loại. Đối với cua huỳnh đế, ai đặt tôi mới lấy vì loại này khó kiếm, không phải lúc nào cũng sẵn nguồn hàng”, chị Hà chia sẻ.

Từ bán cho vui, chị Hà đầu tư hẳn tủ đông lạnh để bảo quản hải sản tươi ngon. Theo chị Hà, người bán hàng chỉ cần có từ 30-50 khách hàng quen là thành công. “Bán hàng cho người quen là bán luôn uy tín của mình, nếu hàng không bảo đảm thì rất khó ăn khó nói. Do đó, tôi rất kỹ trong việc chọn lựa hải sản, thấy tươi ngon mới nhập hàng về, khách đặt một lần, thấy ngon sẽ mua tiếp các đợt sau”, chị Hà bộc bạch.

Niềm vui với bếp, bánh

Với chị Nguyễn Thị Thùy Dương, công tác tại một cơ quan trên địa bàn phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), niềm vui sau ngày làm việc căng thẳng là chờ đợi món bánh mới ra lò.
Chị Dương cho hay, cái duyên đưa chị đến với việc bán hàng là hôm làm xong mẻ bánh su kem nhân trà xanh, chocolate sau 2 giờ cặm cụi, chị vui quá nên chụp hình đăng facebook. “Đó là hôm 28-6 vừa rồi, ngày Gia đình Việt Nam, tôi làm mẻ bánh này để tặng chồng con, thấy bánh nướng lên vàng đều, đẹp mắt, tôi chụp hình, đăng facebook làm kỷ niệm, ai ngờ nhiều người quen vào hỏi mua, đang vui nên tôi đồng ý làm thêm để bán”, chị Dương chia sẻ.

Nhớ ngày mới mày mò làm, chị Dương cứ tới lui canh lò nướng, xem bánh khi nào thì chín vàng. Dù công thức chị đã thuộc kỹ, tỉ mỉ cách nướng, thời gian, nhiệt độ phù hợp, nhưng giai đoạn bánh chín phụ thuộc khá nhiều ở tỷ lệ đường, bột, nguyên liệu đi kèm, kể cả độ dày, mỏng của bánh dưới bàn tay người nặn thủ công. Vừa bán, vừa làm cho gia đình dùng nên chị Dương cẩn trọng trong khâu lựa chọn nguyên liệu, tăng giảm tỷ lệ sao cho bánh thơm, ngọt, giòn, béo, đặc biệt chị tuyệt đối không thêm phụ gia, chất bảo quản. Để tạo cảm giác tươi mới, mỗi gói bánh quy chị thêm nhiều loại nhân như nhân mứt cam, mứt dâu, nho khô, hạnh nhân… với giá bán khoảng 200.000 - 220.000 đồng/kg. Xác định đây là công việc thời vụ, làm trong thời gian rảnh nhưng chị Dương vẫn đầu tư lò nướng mới với suy nghĩ, đã làm là phải ngon, đẹp mắt, để khách ăn còn nhớ tới mình. Thời gian này, do công việc bận rộn, chị dành việc làm bánh vào 2 ngày cuối tuần.

Việc làm bánh được xem là trải nghiệm thú vị để thích nghi trong khoảng thời gian công việc chính bị gián đoạn.Ảnh: C.S
Việc làm bánh được xem là trải nghiệm thú vị để thích nghi trong khoảng thời gian công việc chính bị gián đoạn.Ảnh: C.S

Không thể đến trường trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, anh Bùi Hữu Tiên, công tác tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Đà Nẵng (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) phụ vợ làm bánh thuẩn, bột ngũ cốc, tré... để bán cho người quen. Sản phẩm làm ra không nhiều, nhưng anh Tiên đặt hết trách nhiệm và tình cảm của mình vào đó. Anh chia sẻ, bánh thuẩn được làm từ trứng gà ta, nêm nếm, canh lửa sao cho thơm mềm, ngọt vừa. Nguyên liệu làm tré cũng khá quen thuộc, vợ chồng anh chọn heo quê, trộn cùng tỏi, riềng, thính, mè, lá ổi… đã sơ chế sạch. Thời gian qua, theo nhu cầu của bạn bè, anh Tiên lấy thêm trứng gà ta về bán. Dù làm bánh không chuyên nhưng có những ngày, vợ chồng anh bán ra khoảng 10kg bánh thuẩn.

Không ngại phụ vợ các công đoạn làm bánh, ngũ cốc, anh Tiên còn kiêm luôn chân shipper (người giao hàng) cho khách. Anh chia sẻ, công việc bán hàng vừa có thêm thu nhập, vừa giúp anh gặp lại người quen sau thời gian dài Đà Nẵng thực hiện các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch. Và điều quan trọng hơn là gia đình anh có khoảng thời gian bên nhau, chia sẻ niềm vui bánh, bếp. “Bán hàng giúp tôi có nhiều niềm vui khi nhận được sự yêu thương, ủng hộ từ mọi người, trong đó có những người bạn, người quen lâu ngày không gặp”, anh Tiên nói.

Không ai nói mình sẽ chuyển hẳn sang công việc mới, bởi họ đã gắn bó với ngành, nghề cũ nhiều năm qua. Và việc làm thêm, được xem là trải nghiệm thú vị để thích nghi trong khoảng thời gian công việc chính bị gián đoạn bởi Covid-19. Theo chị Trần Thị Bích Hạnh, đó cũng là sự thích nghi, là bản lĩnh của mỗi người, khi vượt qua chính mình, duy trì kế sinh nhai. “Làm được gì trong giai đoạn này để tạo ra thu nhập cũng là điều đáng quý, miễn đó là việc làm chính đáng, không gây tổn hại cho ai”, chị Hạnh nói.

TIỂU YẾN

Theo baodanang.vn