Trong một năm, ở Đà Nẵng có không dưới 10 cuộc thi khởi nghiệp, buổi gọi vốn ở nhiều quy mô khác nhau, từ trường học, đơn vị ươm tạo cho đến quận, huyện và thành phố. Không khó để bắt gặp những dự án chưa đủ độ “chín”, dù đã trải qua quá trình huấn luyện, sàng lọc trước đó. Các lỗi phổ biến nhất mà những dự án này gặp phải là không hiểu đối thủ cạnh tranh của mình là ai, định giá dự án của mình quá cao đến mức gần như vô lý, người sáng lập không có đủ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực mình khởi nghiệp...
Trong một buổi thuyết trình gọi vốn ở Đà Nẵng cách đây chưa lâu, một dự án cổng thông tin du lịch được nhà đầu tư chất vấn về cơ sở định giá. Hai bạn trẻ sáng lập cho rằng, dự án của họ là tiên phong trên thị trường và đến nay chưa có đối thủ dù trên thực tế, người đi du lịch trên khắp thế giới từ lâu đã quen thuộc với hàng loạt trang web như vậy.
Các bạn cũng không đưa ra được con số cụ thể nào làm cơ sở định giá, chỉ khẳng định rằng dự án của mình sẽ “nâng tầm du lịch Việt” (?!). Bên cạnh đó, còn có nhiều dự án khởi nghiệp về giáo dục, y tế nhưng không ai trong đội ngũ sáng lập từng làm việc trong các lĩnh vực này. Do vậy, họ không nắm được nhu cầu của thị trường trong ngành, các quy định pháp lý ràng buộc... Có nhà đầu tư là chủ một doanh nghiệp lớn về du lịch ở Đà Nẵng (xin giấu tên) từng thốt lên trong buổi gọi vốn: “Nhiều người mới chợt nảy ra ý tưởng đã cho rằng đó là khởi nghiệp”.
Song lỗi này không hoàn toàn thuộc về những người “khởi nghiệp” mà còn bắt nguồn từ sự dễ dãi của nhiều cuộc thi hiện nay. Chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, người sáng lập Tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp Kisstartup cho biết, không ít cuộc thi, phong trào, chương trình khởi nghiệp không biết mình hỗ trợ giai đoạn nào của quá trình khởi nghiệp; vì vậy thiếu triết lý, đối tượng rõ ràng, mục tiêu cụ thể và thường được tổ chức một cách na ná rập khuôn. Theo chị Minh, nhiều cuộc thi không đặt bài toán cụ thể, khuyến khích người tham gia tìm và xử lý những vấn đề xã hội. Thay vào đó, thông điệp đưa ra là cứ khởi nghiệp đi để làm giàu nên việc cho ra những sản phẩm kém chất lượng là điều dễ hiểu.
Anh Trần Vũ Nguyên, nguyên Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Phó Giám đốc Ban Tư vấn Saigon Innovation Hub nhìn nhận, để tránh các cơn “mộng tưởng” khởi nghiệp, các bạn trẻ cần phải hiểu rõ “luật chơi” vốn rất khác với kinh doanh thông thường. Anh Nguyên chia sẻ, ở Israel có 3 quy tắc cho các nhà khởi nghiệp. Thứ nhất, không khởi nghiệp một mình, phải có đội ít nhất 3 người. Thứ hai, không khởi nghiệp bán thời gian mà tập trung 100-300% công sức, bởi tỷ lệ thành công rất thấp. Thứ ba, không bán nhà để làm mà phải lấy tiền của quỹ đầu tư.
Trong một buổi chia sẻ về khởi nghiệp với sinh viên Đà Nẵng, chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC bày tỏ, khi một người trẻ chưa có kinh nghiệm nhìn thấy cơ hội, họ khó thẩm định được đó có phải là cơ hội của mình không. Nếu không phải mà vẫn lao vào làm thì họ đang lãng phí chính mình. Theo chị, nên khuyến khích người trẻ có hoài bão, nhưng cũng cần những người có kinh nghiệm để “kéo” họ về thực tế. Nghĩ lớn nhưng bắt đầu từ cái nhỏ, đi từng bước một thì mới có thể thành công.
Bài và ảnh: PHONG LAN - BÁO ĐÀ NẴNG