ào cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần vào sự nghiệp hoà bình thế giới; đồng thời hoạch định một cương lĩnh tái thiết đất nước sau chiến tranh “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Để niềm tin trở thành hiện thực, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành những điều “trước hết nói về Đảng” và yêu cầu “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” . Cụ thể là: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” và đội ngũ cán bộ, đảng viên “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Đồng thời, Đảng phải bồi dưỡng thế hệ trẻ, “chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Đặc biệt quan tâm đến con người, Người căn dặn “đầu tiên là công việc với con người”. Trong đó, Người dành tình cảm và sự quan tâm cho hết thảy mọi người. Với những người “đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Người mong “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh””, để họ không chỉ được ổn định cuộc sống lâu dài, không là “gánh nặng” cho xã hội mà còn tiếp tục góp sức cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Với những người đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ”. Với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) còn gặp khó khăn trong cuộc sống và lao động, chính quyền địa phương phải “giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Với những người “phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất”, “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo" và “bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên.
Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,v.v.., Hồ Chí Minh yêu cầu “Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Với “đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ”, Người đề nghị “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Đó chính là những việc mà Đảng và Chính phủ phải làm để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, để “đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Để những công việc trọng yếu đó “có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh bị động, thiếu sót và sai lầm”, thì “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Cụ thể, Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu phải “xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc…". Đặc biệt, Người “mong Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết” quý báu giữa các Đảng anh em “trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”…
Những trăn trở, tâm huyết được dặn lại trong Di chúc là minh chứng sinh động nhất cho một lời khẳng định: Không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì phẩm giá và quyền của con người, cho sự giải phóng hoàn toàn. Tất cả "những gì thuộc về Người, từ phẩm chất đến hành động, vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc yêu độc lập, tự do, hoà bình, công lý và những người tiến bộ trên trái đất. Tấm gương anh hùng và tấm gương đạo đức sống tràn đầy tình yêu Tổ quốc và nhân dân một cách tự nguyện đó đã được truyền lại cho các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam ngày nay". Vì vậy, “tất cả những người có lương tri trên thế giới đều nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc - “Người yêu nước”, ở Hồ Chí Minh - “Người chiếu sáng”, ở Bác Hồ - “Vị Chủ tịch kính mến"một mẫu mực của tư tưởng, đạo đức, phong cách người cộng sản kiên trung, hết lòng vì nước, vì dân.
DI CHÚC TRỞ THÀNH MỆNH LỆNH HÀNH ĐỘNG
Di chúc “là sự thức tỉnh của nhân tâm, của trí tuệ, của dũng khí” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nguồn cảm hứng, là sức mạnh nội lực, sáng như sao Bắc đẩu soi đường để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng hành cùng dân tộc và thời đại. Như một Cương lĩnh hành động, hàm chứa sâu sắc tinh thần đổi mới và phát triển để xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai, những điều Người dặn lại trong Di chúc không dài, không mang tính áp đặt, nhưng đã trở thành “quốc bảo” hành động, trở thành “mệnh lệnh trái tim” được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đồng tâm, đồng lòng thực hiện để xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, đổi mới, phát triển, ngày càng khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.
Khi nói về Người thì cái khái niệm thông thường về cái chết không còn đúng nữa, vì giờ đây đồng chí Hồ Chí Minh như một đoá hoa lớn, đỏ thắm và bất diệt, luôn luôn tươi mát, gieo khắp đất nước Việt Nam biết bao hạt giống tốt về tư tưởng và biết bao gương sáng. "Xin gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh lời nguyền: Mãi mãi giành thắng lợi", báo Gơ-ran-ma, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cu-ba, số ra ngày 14/9/1969 |
Thực hiện di huấn của Người về “việc cần phải làm trước tiên”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh - nhân tố quan trọng, quyết định thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong từng tổ chức Đảng, mà một trong những giải pháp căn cốt, mang tính đột phá là “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) gắn với những chỉ dẫn của Người trong Di chúc và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Theo đó, các cấp ủy tiếp tục phát huy kết qua đã đạt được trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để xây dựng kế hoạch của tập thể và cá nhân gắn với Di chúc, với các nội dung cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác cán bộ, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; lựa chọn, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với phòng và chống các biểu hiện: “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác. Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh…” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần được cụ thể hóa theo hướng xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy định chung của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những khâu đột phá để tập trung giải quyết, như đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và điều hành công việc, đẩy mạnh cải cách hành chính; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống các biểu hiện “tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”; chống “bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu". Cụ thể, phải coi cuộc đấu tranh chống, quét sạch chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện suy thoái là một bộ phận của đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội: lợi dụng cơ chế, chính sách, môi trường để trục lợi cá nhân, trục lợi cho nhóm lợi ích; phải phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, để làm cho việc học tập, làm theo Bác thành thiết thực, nền nếp, tự giác, góp phần củng cố và giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn trong Di chúc.
Các cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương theo lời Người dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới" và “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” để thực hiện ngiêm túc Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương khóa XI, Quy định số 08-Qđi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; trong đó chú trọng 8 điểm “phải gương mẫu đi đầu” và 8 điểm “phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống”. Cụ thể, các nội dung nêu gương phải được thể hiện trong mọi mặt công tác: Nắm bắt tình hình tư tưởng, đánh giá diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong công tác hằng ngày; trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; trong đánh giá và phân loại cán bộ, đảng viên; trong tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát. Thông qua đó, ngăn chặn các biểu hiện “cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành”.
Khi xây dựng các nội dung sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề hằng tháng, quý, năm, mỗi cấp ủy cần lựa chọn và nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát với tinh thần phát huy “thực hành dân chủ rộng rãi” trong Đảng để không chỉ phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong thực hiện Di chúc, học tập và làm theo Bác mà còn thiết thực phòng và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo Nghị quyết Trung ương khóa XII. Thông qua đó, làm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nêu gương thống nhất giữa nói và làm, gương mẫu làm trước của đội ngũ cán bộ chủ chốt được cụ thể hơn, nền nếp hơn, mang lại kết quả rõ rệt trong rèn luyện đạo đức và phong cách công tác; phòng và chống biểu hiện “thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội. Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”, góp phần chuẩn bị chu đáo về công tác nhân sự, tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới và Đại hội XIII của Đảng.
Trong kế hoạch học tập và rèn luyện của tập thể và cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự soi xét bản thân để xây dựng nội dung phù hợp vị trí công tác; tự sửa mình theo lời dặn và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để làm cho việc học tập và làm theo Bác đạt kết quả thực chất; để tự mình trở thành tấm gương cho đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân noi theo, tạo ảnh hưởng lan tỏa trong Đảng và ngoài xã hội. Trong mọi mặt công tác, phải gắn rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” với nhiệm vụ chuyên môn, nhất là tập trung thực hiện theo chuyên đề năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống cho nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cụ thể, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, mỗi cán bộ, đảng viên đẩy mạnh học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực để đấu tranh, phòng, chống và ngăn chặn các biểu hiện: “Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”. Đồng thời, mỗi người cần xây dựng, rèn luyện phong cách, tác phong công tác, ý thức tôn trọng nhân dân, khắc phục tệ “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, chăm lo đời sống cho nhân dân, coi đó là nhu cầu tự giác phấn đấu của mỗi người để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn./.
TS. Văn Thị Thanh Mai