Chàng trai Nguyễn Quang Thái (30 tuổi, quê Nghệ An) với chiều cao vỏn vẹn 1m40 đã chứng minh trở thành bác sĩ không phải ước mơ xa vời đối với người khuyết tật. Hành trình 15 năm theo đuổi ước ...

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2024 - 2029

15 NĂM THEO ĐUỔI ƯỚC MƠ CỦA BÁC SĨ NHIỄM CHẤT ĐỘNG DA CAM

Bạch Ngọc Huyền Thi 16-07-2024 14:07:00 TẤM GƯƠNG HỌC TẬP ĐẠO ĐỨC HỒ ... 786+

Chàng trai Nguyễn Quang Thái (30 tuổi, quê Nghệ An) với chiều cao vỏn vẹn 1m40 đã chứng minh trở thành bác sĩ không phải ước mơ xa vời đối với người khuyết tật. Hành trình 15 năm theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ để có thể chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân nhiễm chất độc da cam là khoảng thời gian chồng chất khó khăn của anh Nguyễn Quang Thái.

2023-10-27_09-11-03nSxiqV_352200929_1591607584669624_4559557537675683453_n.jpg

Dù phải đối mặt với nhiều định kiến, nhưng trong suốt 15 năm qua, chưa một lần anh Thái bỏ cuộc. Bởi lẽ, đối với anh, chữa bệnh cho các em nhỏ nhiễm chất độc da cam cũng là cách chữa bệnh cho chính mình.
Là nạn nhân của chất độc da cam, anh Thái có một tuổi thơ đầy tổn thương vì những lời chế giễu và kỳ thị.
Vì có ngoại hình thấp hơn bạn bè đồng trang lứa, đồng thời có một khối u ở lưng, anh Thái bị gán mác "không có tương lai", "mãi mãi là gánh nặng của gia đình".
Khoảng thời gian đó, cậu học sinh Nguyễn Quang Thái cảm thấy như không tìm thấy ánh sáng. Anh mất niềm tin vào chính mình, hoài nghi về năng lực của bản thân. Sự miệt thị từ bạn bè khiến anh cảm thấy chán nản và sợ hãi khi đến trường. Nhiều người còn cho rằng, việc học hành với cậu học trò ấy là vô nghĩa.
"Tôi thấy tổn thương lắm. Nhiều người không công nhận sự cố gắng của tôi. Họ miệt thị ngoại hình và trêu chọc ước mơ của tôi. Đó thật sự là nỗi ám ảnh!", anh Thái nghẹn ngào nhớ lại.
Niềm tin vào tương lai chỉ thật sự đến khi anh Thái đến Làng Hữu nghị Việt Nam (huyện Hoài Đức, Hà Nội) sinh sống.
Ngày rời xa vòng tay cha mẹ, cả anh và gia đình đều nghẹn ngào nước mắt. Khi ấy, anh mới chỉ là học sinh THPT, chưa từng rời xa nơi chôn rau cắt rốn.
Những ngày đầu sống ở môi trường mới, gặp nhiều người xa lạ, anh Thái nhiều lần sợ hãi, muốn bỏ trốn. Thế nhưng nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt từ các thầy cô, bác sĩ ở Làng Hữu nghị Việt Nam, trái tim dễ tổn thương của anh cảm thấy giống như nhận được tình thương của một gia đình. Sự gắn kết của những con người nơi đây dần khiến anh vơi đi nỗi đau về tinh thần, dần mở lòng hơn.
"Khi giáo viên hỏi muốn làm nghề gì, tôi nói mình muốn làm bác sĩ. Nhận được ánh nhìn trìu mến và những lời cổ vũ từ các cô, tôi mừng quýnh vì không ai chê bai ước mơ của mình nữa", anh Thái tâm sự.
Tiếp xúc với những bạn nhỏ có ngoại hình không hoàn hảo, chứng kiến những cơn đau về thể xác và vết thương trong tâm hồn, anh Thái cảm thấy bản thân mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Điều này đã thôi thúc anh nỗ lực học tập để trở thành bác sĩ, chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm chất độc da cam.
Hành trình chinh phục tri thức để đạt tới ước mơ làm bác sĩ của anh Thái cũng gặp vô vàn thử thách. Sức khỏe của anh không tốt khiến việc ôn thi đại học vô cùng vất vả, đôi khi gần như kiệt sức. Nhưng chưa bao giờ anh nghĩ tới việc từ bỏ, anh chấp nhận học ngày học đêm, lấp lỗ hổng về kiến thức để có thể chạm đến ước mơ.
Giây phút cầm giấy trúng tuyển trường Đại học Y khoa Vinh (Nghệ An), chàng trai kém may mắn Nguyễn Quang Thái không cầm được nước mắt vì hạnh phúc.
Anh rời Làng Hữu nghị Việt Nam đi Nghệ An học tập, không quên hẹn ngày trở về để tiếp tục nối tiếp hành trình chăm sóc bệnh nhân nhiễm chất độc da cam.
Sau 5 năm học đại học "nếm mật nằm gai", anh Thái tốt nghiệp trong niềm tự hào của gia đình.
Mặc dù cha mẹ khuyên anh về quê làm việc cho gần gia đình, nhưng anh kiên định trở về Làng Hữu nghị Việt Nam, bởi ở đó có 120 em nhỏ nhiễm chất độc da cam đang gánh chịu nỗi đau lớn về thể xác và tinh thần.
Anh Thái kể, việc chữa trị cho trẻ em ở đây gặp vô vàn khó khăn, không đơn giản là áp dụng những kiến thức y khoa được học ở giảng đường.
Các bệnh nhân không kiểm soát được suy nghĩ và hành động của mình thường khiến cho anh Thái gặp không ít gian nan. Thời gian đầu, anh gần như không thể nắm bắt được suy nghĩ của các em, bối rối trong việc chẩn đoán và chữa trị.
Anh phải nỗ lực tìm tòi, học hỏi thêm các phương pháp điều trị cho bệnh nhân nhiễm chất độc da cam; dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ với các em về cuộc sống thường ngày.
"Chữa bệnh cho các em nhỏ nhiễm chất độc da cam đòi hỏi bác sĩ phải thận trọng, kỹ càng. Bản thân người bác sĩ phải hiểu các em như hiểu chính mình mới có thể điều trị được", anh Thái chia sẻ.
Chính sự thấu cảm của anh là chìa khóa giúp "mở cửa trái tim" những bệnh nhân đặc biệt. Anh thuộc tên, hiểu tính cách và tình trạng bệnh của từng người. Với anh, những nụ cười rạng ngời của các em là động lực nhắc nhở anh phải cố gắng.
Với bác sĩ Nguyễn Quang Thái, 120 em nhỏ có số phận thiệt thòi chính là người thân của anh. Anh luôn nỗ lực, cố gắng hết mình để những đứa trẻ ấy có điều kiện sống tốt hơn.
Nhìn các em dần cải thiện sức khỏe, anh Thái mỉm cười, gọi đó là hạnh phúc.
Theo: Dân trí