CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 44 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1945 – 30/4/2019)

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/04/1975 - 30/04/2023) - NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5 - NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG (10/3 ÂM LỊCH)

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 04 NĂM 2019

Phạm Đình Quý 01-04-2019 11:04:00 TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN 432+

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 44 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1945 – 30/4/2019)

2019-09-27_17-50-437krtkb_2019-09-24_23-07-35wkZovZ_tailieusinhhoatchidoanT4.jpg

      I. Kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4:

- 10/3 (âm lịch): Ngày giỗ tổ Hùng Vương

- 30/4/1975: Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

- 01/5/1886: Ngày Quốc tế Lao động.

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, Mùng 10 tháng 3 (âm lịch)

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Trong lịch sử Việt Nam, những người có công lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ nhân dân, chống ngoại xâm đều được nhân dân ta nhớ ơn. Một trong những ngày kỷ niệm mà mọi người dân yêu nước từ Bắc chí Nam đều biết và đã có từ ngàn xưa đến ngày nay là Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Trong nhiều truyền thống tốt đẹp, dân tộc Việt Nam ta luôn giữ vững một truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp vô cùng: tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước.

Hàng năm, vào dịp mùng 10/3 âm lịch, hàng chục vạn lượt đồng bào từ khắp mọi miền trong cả nước về Đền Hùng trẩy hội, thắp hương thơm thành kính lễ tổ tiên, tưởng nhớ công đức to lớn của các Vua Hùng dựng nước.

Do nhu cầu trị thủy, chống giặc ngoại xâm và do việc trao đổi kinh tế -văn hóa ngày càng được đẩy mạnh, giữa các bộ lạc gần gũi nhau về dòng máu có xu hướng tập hợp và thống nhất với nhau. Trong số các bộ lạc Lạc Việt, có bộ lạc Văn Lang hùng mạnh hơn cả, lãnh thổ của bộ lạc này trải dài từ chân núi Ba Vì tới sườn Tam Đảo. Thủ lĩnh của bộ lạc Văn Lang đã đóng vai trò lịch sử là người đứng ra thống nhất các bộ lạc Lạc Việt dựng nên nước Văn Lang, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu (nay là xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), chia nước ra 15 bộ:

1. Văn Lang (Bạch Hạc, Phú Thọ)

2. Châu Diên (Sơn Tây)

3. Phú Lộc (Sơn Tây)

4. Tân Hưng (Hưng Hóa - Tuyên Quang)

5. Vũ Định (Thái Nguyên - Cao Bằng)

6. Vũ Ninh (Bắc Ninh)

7. Lục Hải (Lạng Sơn)

8. Ninh Hải (Quảng Yên)

9. Dương Tuyền (Hải Dương)

10. Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình)

11. Cửu Chân (Thanh Hóa)

12. Hoài Hoan (Nghệ An)

13. Cửu Đức (Hà Tĩnh)

14. Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị)

15. Bình Văn (không rõ địa danh hiện nay)

Các đời vua sau đều gọi là Hùng Vương. Theo Ngọc phả Hùng Vương, có 18 đời vua Hùng:

1. Kinh Dương Vương Lộc Tục, tôn dâng miến hiệu là Hưng Dương- vị vua viễn tổ.

2. Lạc Long Quân Sùng Lâm, thụy hiệu Hùng Hiền - vị vua cao tổ.

3. Hùng Quốc Vương, húy là Lân Lang - vị vua mở nước.

4. Hùng Diệp Vương Bảo Lang.

5. Hùng Huy Vương Lang Viên Lang.

6. Hùng Huy Vương (cùng hiệu với đời thứ năm), húy là Pháp Hải Lang.

7. Hùng Chiêu Vương Tiên Lang.

8. Hùng Vi Vương Thừa Vân Lang.

9. Hùng Duy Vương Quốc Lang.

10. Hùng Uy Vương Vương Hùng Hải Lang.

11. Hùng Chính Vương Hùng Đức Lang.

12. Hùng Vũ Vương Đức Hiền Lang.

13. Hùng Việt Vương Tuấn Lang.

14. Hùng Anh Vương Châu Nhân Lang.

15. Hùng Chiêu Vương Cảnh Châu Lang.

16. Hùng Tạo Vương Đức Quân Lang.

17. Hùng Nghị Vương Bảo Quang Lang.

18. Hùng Duệ Vương Huệ Lang.

Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng là nhà nước phôi thai đầu tiên của Việt Nam, còn rất đơn giản, mặc dù mới hình thành nhưng đã cố kết được lòng người.

Nhìn chung, cha ông ta đã dựng nước trong một khung cảnh thiên nhiên thích hợp, thuận lợi, trên một dải đất có nhiều núi cao, rừng rậm, nhiều sông ngòi, hồ ao, có các ngả đường giao thông quan trọng với các miền khác; đó cũng là miền đất giàu có, nhiều khoáng sản, lâm sản, hải sản, nhất là lại có những cánh đồng phì nhiêu thích hợp với nghề nông. Những yếu tố thiên nhiên này đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tiến bộ về kinh tế và văn hóa, dẫn đến việc dựng nước Văn Lang, một nước có đủ sức chống ngoại xâm, có nền văn hóa phát triển của vùng Đông Nam Á thời đó.

Hùng Vương là thủ lĩnh của nước Việt Nam thời kỳ bắt đầu dựng nước. Lãnh thổ đầu tiên của tổ tiên là miền Bắc Việt Nam. Những nhóm dân quan trọng nhất là người Việt cổ, ban đầu họ sống thành từng công xã, ràng buộc với nhau bởi mối quan hệ máu mủ. Họ đoàn kết tương thân, tương ái trong công việc làm ăn và giữ nước. Con người Việt Nam thời Hùng Vương vừa mới cố sức vươn lên khỏi cuộc sống tự nhiên đầy khó khăn gian khổ, rừng rậm, đầm lầy, thú dữ, bão giông, lụt lội… đã phải đương đầu với kẻ thù xâm lược. Tản Viên Sơn Thần (Sơn Tinh vị thần núi Tản Viên) là truyền thuyết tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên cho chiến thắng thiên tai; Thánh Gióng là truyền thuyết ca ngợi tinh thần chiến đấu bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc ta… Những truyền thống tốt đẹp đó duy trì bền vững trong xã hội Việt Nam.

Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc, chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước Việt Nam.

Từ lâu, nhân dân ta lấy ngày mùng 10/3 (âm lịch) hàng năm làm Ngày Giỗ Tổ và cùng nhau trẩy hội Đền Hùng để tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên của dân tộc Việt Nam theo đúng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Sáng ngày 19/9/1954 tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng tỉnh Phú Thọ, khi gặp gỡ các chiến sĩ Đại đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người dân Việt Nam càng tự hào với giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Do vậy, mỗi công dân Việt Nam luôn có trách nhiệm: nêu bật những giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam; giới thiệu những phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước; có ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh dựng nước và giữ nước; ủng hộ và thực hiện những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cổ vũ các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài hướng về cội nguồn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước hội nhập và phát triển.

Ngày Quốc tế lao động 1/5: Lịch sử và ý nghĩa

Ngày Quốc tế lao động, ngày hội của những người lao động toàn thế giới, được tổ chức vào 01/5 hàng năm.

Trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội I Quốc tế I họp tại Giơ-ne-vơ tháng 9/1866 vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh- nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.

Phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ từ năm 1827 đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.

Tháng 4/1884 tại thành phố công nghiệp lớn Si-ca-gô, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: từ ngày 01/5/1886 ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ.

Ngày 01/5/1886, công nhân toàn thành phố Si-ca-gô tiến hành bãi công, 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mittinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cùng ngày đó, các Trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở một số nơi như Niu-Oóc, Pi-Xbớc, Ban-ti-mo, Oa-sinh-tơn… có khoảng 12 vạn rưỡi công nhân giành được quyền làm việc 8 giờ một ngày, khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân. Ở nhiều nơi cảnh sát đã đàn áp các cuộc biểu tình, đặc biệt ở thành phố Si-ca-gô cảnh sát đã tàn sát đẫm máu cuộc đấu tranh, làm hơn một trăm người chết, nhiều thủ lĩnh Công đoàn bị bắt và bị kết án tử hình.

Mặc dù cuộc bãi công ở Si-ca-gô bị trấn áp, nhưng khí phách anh hùng của công nhân và yêu cầu thiết thực của cuộc đấu tranh đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới; công nhân nhiều nước đã đồng tình và hưởng ứng yêu sách của công nhân Si-ca-gô. Vì thế tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14/7/1889, Đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 01/5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.

Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 01/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.

Ngày 01/5 ở các nước xã hội chủ nghĩa, đã coi là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngày 01/5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Ở Việt Nam, sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 01/5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình. Cuộc đấu tranh ngày 01/5/1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930- 1931, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mittinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5 đấu tranh đòi quyền lợi, tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới.

Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám việc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.

Ngày nay, ngày Quốc tế lao động là ngày hội của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

 

II. Địa danh lịch sử của thành phố Đà Nẵng.

* Thành Điện Hải qua Mộc bản triều Nguyễn

Thành Điện Hải là tòa thành quân sự nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng vừa được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 29-3-2018. Hiện nay, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt đang bảo quản 34.619 tấm Mộc bản triều Nguyễn, được Unesco công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Trong đó có những bản khắc ghi chép khá rõ về vị trí, quá trình xây dựng cũng như quy mô, kiến trúc thành Điện Hải.

Đài Điện Hải được xây dựng vào năm Quý Dậu (1813), dưới triều vua Gia Long. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 46, mặt khắc 7 có ghi chép về sự kiện này như sau: “Đắp đài Điện Hải và bảo An Hải ở Quảng Nam (đài bên tả cửa biển Đà Nẵng, bảo ở bên hữu). Sai Nguyễn Văn Thành đi coi công việc. Công việc xong, để lại 500 quân đóng giữ”.

Về vị trí, quy mô của đài Điện Hải được Mộc bản sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 209, mặt khắc 30 có chép: “Thành Điện Hải ở thôn Thạch Than, cảng Đà Nẵng, chu vi 139 trượng, cao 1 trượng, 2 thước, xây gạch, 3 cửa, 1 kỳ đài, hào rộng 4 trượng 5 thước”.

Ban đầu, đài Điện Hải được đắp bằng đất. Đến năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng cho chuyển dời đến vị trí khác (tức vị trí hiện nay) và cho xây lại bằng gạch. Lý do dời đài Điện Hải, theo vua Minh Mạng: “Đầu đời Gia Long xây đắp đài này, công việc buổi đầu, người trông coi lại không được giỏi, cho nên không được kiên cố. Lại thêm gần sát bờ biển, nước biển xói mòn, ngày càng sụt lở, từng đã đóng cọc xây đá, mà sóng nước mạnh dữ, sức người khó chống.

Trẫm thấy đặt đài này là để củng cố bờ biển, giữ mạnh thế nước, há có thể sợ khó nhọc ngại tốn phí mà để đấy không hỏi đến sao? Nay sai người ngắm đo hình thế, nên dời về phía nam hơn 50 trượng là chỗ đất cao rộng mà xây. Lại đặt một pháo đài ở núi nhỏ phía đông trạm Nam Chân gọi là pháo đài Định Hải, núi ấy cũng gọi là núi Định Hải”. Phó đô thống chế Tả dinh quân Thần sách Nguyễn Văn Trí và Tham tri bộ Binh Nguyễn Khoa Minh được giao trông coi, đôn đốc công việc.

Để có thể đảm trách được công việc dời thành, vua Minh Mạng đã huy động hơn 5.000 dân đến làm việc. Trong quá trình thi công, để động viên, khuyến khích tinh thần cho dân công, vua Minh Mạng đã chỉ dụ: “Hằng tháng cấp tiền gạo (mỗi người mỗi tháng cấp 3 quan tiền, 1 phương gạo; 50 người đặt 1 người đầu mục, mỗi tháng cấp 3 quan 5 tiền và 1 phương gạo; 500 người, đặt 1 quản lĩnh, mỗi tháng cấp 5 quan tiền, 1 phương gạo).


Vị trí và quy mô của thành Điện Hải được ghi chép rất rõ trong Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.

11 năm sau khi chuyển đài Điện Hải đến vị trí mới, vào năm Giáp Ngọ (1834), đài Điện Hải được vua Minh Mạng đổi tên là thành Điện Hải. Thành Điện Hải được xây dựng trên một vị trí đặc biệt hiểm yếu, có vị trí chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ cửa biển Đà Nẵng, vì vậy ngay khi xây xong, vua Minh Mạng đã ra dụ cho bộ Binh rằng:

“Pháo đài Trấn Hải ở kinh sư, pháo đài Điện Hải ở tỉnh Quảng Nam đều là chỗ xung yếu, nên dù lúc vô sự, việc canh phòng cũng không thể bỏ qua. Bộ ấy nên truyền bảo quan binh trú phòng ở hai pháo đài ấy hết thảy súng đạn, khí giới, quân nhu lúc nào cũng dự bị đầy đủ để phòng lúc bất ngờ”.

Vì vậy, để cắt cử trông coi thành được chu đáo, ổn thỏa, vua Minh Mạng đã cử quan Thủ thành úy trông coi thành. Ngoài ra, còn có bổ nhiệm chức quan Vệ úy lĩnh 200 biền binh các Ban trực đi đến đóng giữ đài Điện Hải.

Đến năm Đinh Mùi (1847), vua Thiệu Trị đã cho mở rộng quy mô thành Điện Hải. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía nam và một cửa mở về phía đông. Trong thành Điện Hải có xây dựng thêm hành cung, kỳ đài và các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng, được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành được xây theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông.

Trải qua bao cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, kèm theo sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên, thành Điện Hải đã bị xuống cấp trầm trọng, dấu tích còn lại của thành Điện Hải là tường thành phía tây và phía đông còn cửa thành phía nam đã mất và phía bắc đã hư hại. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã cho tu bổ, phục hồi nguyên trạng di tích lịch sử này. Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố Đà Nẵng.

 

          III. Định hướng sinh hoạt Chi đoàn.

1. Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ôn truyền thống lịch sử 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (có đề cương tuyên truyền riêng) qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, thi tìm hiểu về lịch sử Ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất đất nước, các thành tựu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… của đất nước, địa phương đơn vị từ sau giải phóng đến nay.

2. Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là truyền thống đoàn kết, nhân ái, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, dung cảm trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; các giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích; những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).

3. Tổ chức cho đoàn viên thanh niên trong chi đoàn tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm, tặng quà các gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng hoặc thăm viếng, chăm sóc, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích tại địa phương nhân dịp kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2018).

4. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

5. Tuyên truyền và đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị” trên địa bàn thành phố với các nội dung: Quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương và văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố và địa phương vê mục tiêu và nội dung Phong trào, chú trọng thực hiện có hiệu quả nội dung và nhiệm vụ trong tâm của các văn bản: Kế hoạch 4180/KH-UBND ngày 09/6/2016 của UBND thành phố về việc thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 21CT/TU ngày 30/10/2012 của BTV Thành ủy về tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 24CT/TU của BTV Thành ủy về việc giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 25CT/TU của BTV Thành ủy về Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố....

6. Tuyên truyền đẩy mạnh và kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loại động vật hoang dã nguy cấp và phóng sanh các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn Bán Đảo Sơn Trà, Đèo Hải Vân, các xã của Huyện Hòa Vang...

IV. Các hoạt động do Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn tổ chức

  • Tuyên truyền ATGT cho đoàn viên.
  • Triển khai phong trào 3 không (không thử, không giữ, không sử dụng ma túy ) trong đoàn viên thanh niên.
  • Thành lập CLB Tuổi trẻ với pháp luật, củng cố hoạt động CLB Thắp sáng niềm tin.
  • Đăng ký tuyến đường Thanh niên tự quản về ANTT + 4 mô hình bảo vệ môi trường.
  • Tập huấn phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho thiếu nhi.

Download file: Tại đây.