Thuở bé, tôi thường được nghe tiếng hát hoa phượng đỏ của Đài phát thanh huyện khi chiếc loa treo trên cột điện đầu xóm vang lên gọi mặt trời thức dậy: “Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng ...

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2024 - 2029

Sợi rơm vàng

Phạm Đình Quý 14-08-2021 14:08:00 MỖI NGÀY 1 TIN TỐT - MỖI ... 788+

Thuở bé, tôi thường được nghe tiếng hát hoa phượng đỏ của Đài phát thanh huyện khi chiếc loa treo trên cột điện đầu xóm vang lên gọi mặt trời thức dậy: “Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm/ Bà bện chổi to, bà bện chổi nhỏ…”. Những sợi rơm vàng óng cùng hương đốt đồng đã đi dọc tuổi thơ tôi, khắc ghi trong tâm khảm của những ai lớn lên từ một thời không thể nào quên ấy. Hôm vừa rồi về thăm quê sau những ngày cách ly vì Covid-19, tình cờ tôi nhìn cây rơm to bên góc sân nhà ngoại, những ký ức rơm rạ thuở xưa lần lượt ùa về.

2021-10-27_16-46-196GWn8V_2a.jpg
Những sợi rơm vàng êm ái bện chặt niềm thương nỗi nhớ, bện chặt ký ức về tuổi thơ. Ảnh: N.T.T.T

Xứ sở miền Trung nắng lắm mưa nhiều, cuộc sống nông thôn trong những năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, phải tằn tiện, dè sẻn thì mới gánh nổi một gia đình đông đúc ba thế hệ, sống chung trong một căn nhà ba gian lợp bằng tranh tre mái rạ. Lớn lên từ những ngôi nhà tranh tre vách đất ấy, chúng tôi dù đi xa bao lâu, chuyển ra nơi thị thành phồn hoa đất chật người đông thì vẫn nhớ lắm từng bờ tre, gốc rạ.

Thời ấy, chúng tôi một buổi đi học, một buổi phụ giúp việc đồng áng với gia đình. Lên 10 tuổi, tôi biết phơi rạ, biết dùng đòn xóc bằng tre, có hai đầu nhọn trở rạ theo từng hàng thẳng tắp giữa ruộng khô sau những ngày thu hoạch. Tôi vẫn nhớ những ngày gánh rạ về sân, rồi tuốt rạ, đánh thành từng tấm tranh thơm mùi nắng. Để rồi, sau những ngày bận rộn ngoài đồng, ba tôi lại cặm cụi dặm lại mái nhà chống dột ướt trong những ngày mưa tới, bằng chính những tấm tranh vàng óng, được vuốt phẳng phiu, xếp ngay thẳng ấy. Buổi chiều, lợp xong nhà, trời dịu nắng, ba tôi bắt đầu dỡ bỏ rơm cũ, chất lại một cây rơm mới để lưu giữ thức ăn cho trâu bò, giữ ấm cho đàn heo và làm chất đốt chính cho những ngày mưa dầm xứ Quảng.

Để có được một cây rơm vừa to, vừa chắc chắn, đòi hỏi người đứng trên mũi sào phải có kỹ thuật chất rơm, biết chọn vị trí đất nền vững chãi và cao hơn so với nền nhà, đốn ba cây tre già, đào đất chôn thật chặt. Sau khi phủ rơm theo từng lớp xung quanh gốc, ba tôi leo lên đứng trên những búi rơm đã phủ, còn chúng tôi đứng xung quanh dùng những cây sào dài xóc từng bó rơm được buộc sẵn bằng nuộc lạt đưa lên.

Thông thường khi chất rơm, phải có 2-3 người đàn ông phụ giúp, nhưng giữa ngày mùa ai cũng bận bịu, ba tôi một mình cáng đáng công việc của mấy người cộng lại: vừa đón lấy các bó rơm, gỡ lạt và dùng tay canh đều rơm, dùng chân đạp để rơm bện chặt nhau. Khi rơm đã lên tới gần đầu mút, ba tôi bắt chéo ba cây tre cột lại, sau đó dùng thêm một đụn rơm chất lên trên làm mái che, phòng ngừa mưa lớn nước không theo chiều thẳng của tre mà chảy xuống gốc làm ướt và mục rơm. Công việc kéo dài đến lúc trăng lên đầu ngọn cau mới hoàn tất; cả thân người đẫm ướt mồ hôi và bụi vàng rơm rạ.

Ngại nhất là những buổi trưa dầm mưa đi học về, cả nhà đi làm cả, tôi vừa đói, vừa mệt vì cuốc bộ cả 3 cây số, giờ phải vô bếp nấu cơm bằng rơm; và sợ nhất là nhìn cái giỏ đựng rơm vơi chỉ còn một ít, vừa phải mặc áo mưa đi rút rơm vừa tìm cách đậy, để rơm khỏi ướt. Nhớ lắm những lúc rơm ẩm vì mưa dai mưa dẳng, đốt cả buổi mới chịu bắt lửa, khói ùn lên cay xè cả mắt; có khi đang ngồi nấu bếp mà mãi suy nghĩ chuyện đâu đâu, đôi tay ngừng nối đụn rơm kế tiếp vào bếp đang cháy, tức thì lửa tắt ngay. Nấu cơm bằng rơm phải nhanh nhẹn, khéo léo; nếu không tro rơm nhanh tàn, cơm sẽ bị sống, hoặc vừa nhão, vừa khê.

Ai lớn lên ở đồng quê mà không một lần chơi trốn tìm quanh gốc rơm cuối vườn; nhớ những ngày chăn trâu, giữ vịt móc trộm khoai rồi dùng đất sét bọc quanh, chất rơm vào nướng giữa đồng ăn đỡ đói; nhớ cả cảm giác vui vui khi tình cờ phát hiện cả ổ trứng bé hồng, xinh xinh của chị mái mơ đẻ vội bên đụn rơm dưới gốc… Những niềm vui hồn nhiên và chân chất gắn với rơm rạ đồng làng ấy như mới vừa xảy ra hôm qua, hôm kia thôi.

Thời gian trôi qua, thoáng một cái đã mấy chục năm nhưng kỷ niệm trong veo ngày xưa ấy mãi theo suốt trên hành trình dài, rộng của đời người. Những sợi rơm vàng, êm ái bện chặt niềm thương nỗi nhớ, bện chặt ký ức về tuổi thơ mỗi khi tìm về với nguồn cội. Và tôi tin rằng trong tâm hồn của những người con tha hương, ký ức về làng mạc quê hương không thể thiếu hình ảnh của cây rơm bên hè bởi “Mẹ sinh ra trong rơm rạ/ Nên hương đồng thơm mãi đời anh” (NNH).

NGUYỄN THỊ THU THỦY

Theo baodanang.vn