Chương trình “Cleanup Sơn Trà” (Làm sạch Sơn Trà) diễn ra vào cuối tháng 3-2021 thu hút gần 500 tình nguyện viên tham gia. |
Với Toshimi A. Kayaki (người Nhật Bản), tác giả cuốn sách Sống xanh như những lá trà (Green living tea, NXB Văn hóa - văn nghệ, Phương Nam Book, 2020), cô hòa mình vào lối sống xanh bằng cách khai thác hết công dụng tuyệt vời từ những lá trà. Khi sử dụng trà xanh và lắng nghe cơ thể, cô tin rằng những chiếc lá bé nhỏ ấy đã giúp cô trở nên khỏe khoắn, giải tỏa căng thẳng và phiền muộn, gìn giữ nét thanh xuân, ngừa sâu răng, dễ dàng chăm sóc cây xanh, khử mùi tanh thực phẩm và làm sạch các vật dụng trong gia đình…
Sống xanh, sạch để cân bằng cuộc sống
Theo Toshimi A. Kayaki, trà xanh không chỉ là thức uống. Người Nhật đã định hình phong cách trà đạo như một triết lý sống chậm rãi và chỉn chu. Những ngày định cư trên đất Mỹ, cô dành nhiều thời gian quan sát cách bà và mẹ dùng trà. Cô nhận thấy trà rất quan trọng trong cuộc sống gia đình mình. Họ dùng trà hằng ngày để bảo vệ trái tim khỏe mạnh, giải tỏa muộn phiền, để chăm sóc da, răng miệng và khử mùi. Người Nhật uống trà không chỉ vì mùi vị, nó được xem là phương thuốc tự nhiên, giúp cân bằng cơ thể và tâm hồn, những hoạt chất catechin trong trà xanh còn có khả năng tiêu diệt virus. “Trà xanh rất yasashii, có nghĩa là nhẹ nhàng và êm ấm. Nó như tấm vải cotton mềm mại phủ lên làn da của tôi”, Kayaki nói.
Không chỉ nói về trà và công dụng của nó đối với sức khỏe con người, trong cuốn sách Sống xanh như những lá trà, Toshimi A. Kayaki khẳng định bất kỳ ai cũng có thể áp dụng lối sống xanh, sạch để cân bằng cuộc sống. Đơn cử cách người Nhật dùng trà để thấy rằng, sống xanh thật sự không khó. Nó bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như bỏ rác đúng nơi quy định, tích cực trồng cây xanh, sử dụng bình thủy tinh, túi vải thay túi nilon…
Bạn trẻ Đà Nẵng tái chế túi rác thải thành những vật dụng có thể sử dụng được trong gia đình. Ảnh: TIỂU YẾN |
Tại Đà Nẵng, sống xanh được nhiều bạn trẻ lựa chọn vài năm nay. Nguyễn Hồng Phúc đã trải qua 9/12 tháng thử thách sống xanh do Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng (DCEH) tổ chức. Lựa chọn thử thách này, Phúc kiên trì sử dụng bình nước cá nhân, sử dụng các sản phẩm tẩy rửa thân thiện môi trường, rút các phích cắm khi không sử dụng, lau dọn bụi bẩn phía sau tủ lạnh, sử dụng bàn chải đánh răng bằng tre, trồng cây trong chai nhựa tái chế, tham gia cộng đồng bảo vệ môi trường, sử dụng túi vải cá nhân… Phúc cho rằng, tham gia thử thách giúp bản thân hình thành thói quen tốt, thân thiện với môi trường. “Mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta chia nhỏ hoạt động và thực hiện từng bước, chậm rãi, chắc chắn và thuận tự nhiên”, Phúc nói.
Ngoài việc tham gia các thử thách, Nguyễn Hồng Phúc cũng là thành viên nhiều dự án, tổ chức, startup (khởi nghiệp) liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường như YNet (Youth Climate Action Network) - một mạng lưới thanh niên hoạt động trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu; DCEH, thuộc mạng lưới 90 AccLab toàn cầu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, do Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) triển khai thực hiện tại khu vực miền Trung. Đặc biệt, cô là thành viên sáng lập Trạm Eco (trạm sinh thái) - một tổ chức phi lợi nhuận dành cho những người yêu môi trường tại Đà Nẵng, được thành lập tháng 1-2021.
Phúc cho biết, Trạm Eco ra đời với mục tiêu kết nối những người yêu môi trường, lan tỏa lối sống xanh, nâng cao nhận thức về rác thải cho người dân. Các tình nguyện viên của Trạm Eco sẽ trực tiếp tham gia hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn; thu gom, phân loại, tái chế rác hữu cơ (ủ compost để trồng cây); xây dựng trạm hạt giống - nơi nhận hạt giống từ các nguồn miễn phí để chia lại cho người cần. Ngoài ra, Trạm Eco còn thực hiện những workshop (buổi chia sẻ, trao đổi kiến thức/kỹ năng) về chủ đề liên quan rác thải và giáo dục trải nghiệm thiên nhiên để nâng cao nhận thức cho người dân Đà Nẵng.
Chỉ sau vài tháng hoạt động, Trạm Eco đã tích cực đồng hành với Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Sơn Trà tổ chức sự kiện “Cleanup Sơn Trà” (làm sạch Sơn Trà) vào cuối tháng 3-2021, với gần 500 tình nguyện viên tham gia. Sau 2 giờ thu gom, gần 1 tấn rác thải được tình nguyện viên đưa ra khỏi bán đảo Sơn Trà. “Trạm Eco là nơi chia sẻ không gian, mọi người có thể đến đây đọc sách, học tập, trồng cây, làm những sản phẩm tái chế cũng như tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Ngoài tích cực sống xanh, việc tham gia các dự án môi trường cũng giúp tôi được làm việc và trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau như tổ chức sự kiện, chụp ảnh, truyền thông, trao dồi kỹ năng xử lý tình huống”, Phúc chia sẻ.
Đồ họa: THANH HUYỀN |
Lan tỏa tích cực, nhận lấy quà xanh
Để khuyến khích học sinh tham gia phong trào sống xanh, gần 1 năm nay, nhóm Green Da Nang (địa chỉ K129/80 Tiểu La, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) của chị Lê Thị Thu Thảo trở thành nơi đổi rác lấy quà. Theo đó, rác thải đã qua sử dụng như giấy photo, vở học sinh, bìa carton, vỏ hộp sữa, nhựa, nilon, vỏ lon, pin cũ, thiết bị điện tử cũ/hỏng mang tới Green Đà Nẵng sẽ được tích điểm đổi quà là chậu cây, túi vải, hạt giống, sản phẩm thân thiện môi trường; hoặc ủng hộ điểm cho các dự án cộng đồng như: Tủ sách nhân ái, Ủng hộ trồng rừng, Trồng cây trong trường học. Thảo cho biết, sứ mệnh mà Green Da Nang hướng đến là có thể tác động đến nhận thức và hành vi của con người, từ đó thay đổi lối sống, giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Để tối ưu hóa hoạt động vì cộng đồng, Green Da Nang tích hợp ứng dụng GreenPoints trong việc tặng điểm thưởng, khuyến khích người dân tham gia các ứng dụng, nền tảng số. Chị Lê Thị Thu Thảo cho biết, nhóm vừa cho ra đời dòng sản phẩm hữu cơ gồm nước rửa chén, nước rửa tay, nước giặt được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. Đây là các loại nước tẩy rửa enzyme làm từ quả dứa đầu tiên tại Việt Nam, sản phẩm kết hợp tinh dầu có mùi thơm dễ chịu, thư giãn, lợi cho sức khỏe và đặc biệt an toàn đối với trẻ nhỏ. “Dòng sản phẩm hữu cơ được làm từ công nghệ ngâm ủ enzyme, lên men tự nhiên từ vỏ trái cây, các sản phẩm không những sạch mà nước xả thải có thể tiết kiệm để tưới cây và làm sạch môi trường. Với sản phẩm này, bạn chỉ cần mang chai lọ có sẵn đến Green Da Nang, lấy đủ lượng cần dùng, việc này sẽ giúp tiết kiệm chi phí đóng gói cũng như cắt giảm khối lượng chai nhựa sử dụng”, chị Thảo cho hay.
Ở khía cạnh vĩ mô, ngoài việc xây dựng đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” gắn với những tiêu chí khắt khe về kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, đô thị sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phong trào sống xanh tại Đà Nẵng được các cấp hội, đoàn thể lồng ghép vào nhiều chương trình hoạt động. Trong đó, có thể nhắc đến phong trào “Phụ nữ Đà Nẵng sống xanh, hành động xanh” được hội phụ nữ cụ thể hóa bằng các hoạt động thu gom, phân loại chất thải nguy hại, chất thải rắn hộ gia đình; hạn chế sử dụng rác thải nhựa; trồng cây xanh trên sân thượng, tuyến đường trọng điểm; trồng rau sạch tại các lô đất trống…
Có thể nói, các phong trào trên đã góp phần lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng dân cư. Chẳng hạn, thay vì dùng hóa chất, vài năm nay, căn bếp nhà bà Ngô Thị Tám, hội viên Hội Phụ nữ phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), luôn thoang thoảng mùi thơm của nước rửa chén, nước lau sàn làm từ chanh, cam, thơm, sả. Công thức ngâm ủ enzyme, lên men tự nhiên từ vỏ trái cây được bà Tám học từ chị em trong hội nên muốn thử nghiệm ngay với rác thải nhà bếp. Ngoài thực phẩm có sẵn, thỉnh thoảng bà ra chợ xin thêm hoa quả hư từ người bán hàng, một phần ngâm ủ làm nước rửa, một phần chế thành phân hữu cơ tưới bón cây xanh. “Trước đây, tôi không nghĩ bả chè, bả cà phê tốt cho cây trồng. Giờ biết rồi nên tận dụng tưới bón trực tiếp cho cây, không cần qua công đoạn ủ men. Nhờ tiếp cận các phương pháp sống xanh, mỗi ngày gia đình tôi giảm ít nhất 2kg rác. Đối với rác thải có thể tái chế, tôi gom lại, thỉnh thoảng mang đến các điểm đổi quà để lấy cây xanh, hạt giống về trồng quanh vườn nhà”, bà Tám nói.
TIỂU YẾN - VÕ VĂN KHOA
Theo baodanang.vn