Hoạt động của các Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên quần đảo Trường Sa thật sự là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, hoạt động dài ngày trên biển, mỗi ...

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2024 - 2029

Điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển

admin 18-01-2019 16:01:00 BIỂN VÀ HẢI ĐẢO 422+

Hoạt động của các Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên quần đảo Trường Sa thật sự là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, hoạt động dài ngày trên biển, mỗi khi ngư dân ghé thăm, sữa chữa tàu thuyền, tiếp nhiên liệu, tránh trú bão, cũng chính là niềm vui, niềm động viên cán bộ, chiến sỹ, góp phần thắt chặt tình quân dân trên biển đảo.

2019-09-27_20-10-48GL46PH_2019-09-25_11-38-52xlyJrh_diem-tua-vung-chac-cho-ngu-dan-bam-bien-1.jpg

Ngoài nhiệm vụ trực bảo vệ chủ quyền… cán bộ chiến sĩ Hải đoàn 129 Hải quân (nay trực thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) còn đảm trách, nhiệm vụ đặc biệt là phát triển kinh tế biển, đảo gắn với quốc phòng an ninh; tháng 11/2016, Quân chủng Hải quân đã bàn giao cho Hải đoàn 129 tiếp nhận và vận hành Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa và 2 làng chài đảo Tốc Tan, Núi Le.

Đây chính là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển khai thác hải sản xa bờ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ Hâu cần -Kỹ thuật Đảo Sinh Tồn nắm tình hình hỏng hóc máy tàu và lên phương án khắc phục

ĐƯỢC SỬA CHỮA TẬN TÌNH, MIỄN PHÍ TIỀN CÔNG

Thượng tá Phạm Văn Quý, Chủ nhiệm Chính trị Hải đoàn 129 - Hải quân cho biết: “Hiện nay, Hải đoàn đang đảm nhiệm quản lý, khai thác Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn và hai làng chài tại đảo Núi Le và Tốc Tan. Tất cả ghe tàu của bà con ngư dân chẳng may bị hỏng hóc, đều được cán bộ, chiến sỹ, nhân viên Trung tâm hướng dẫn vào âu để khảo sát sửa chữa. Xăng dầu, vật tư có giá trị lớn lấy giá như ở đất liền, các vật tư thông thường, nhân công sửa chữa, nước ngọt thì hoàn toàn miễn phí. Hiện nay, các âu tàu hoạt động rất tốt; ở dưới biển có phao, tiêu dẫn luồng cho tàu thuyền; trên đảo có kho nhiên liệu, nhà tránh bão cho ngư dân. Âu tàu đảo Sinh Tồn có thể tiếp nhận gần 100 ghe tàu của bà con ngư dân vào tránh bão và sửa chữa, khi tàu cá của bà con bị hỏng đáy, trục… sẽ được kéo thẳng lên ụ qua đường ray, công việc sửa chữa, thay thế, hàn, bịt đều được làm trên khô”. 

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ Hâu cần -Kỹ thuật Đảo Sinh Tồn đang cố định dây buộc tàu cá

Kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn và 2 làng chài tại đảo Núi Le, Tốc Tan đã tiếp nhận, hướng dẫn giúp đỡ cho hơn 2.200 lượt tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… tránh, trú, neo đậu; đã sửa chữa cho hơn 35 tàu hỏng hóc; tiếp tế lương thực thực phẩm, nước ngọt, bổ sung nhiên liệu, khám chữa bệnh… để ngư dân yên tâm tiếp tục đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

LIÊN KẾT CHẶT CHẼ VỚI CHI CỤC THỦY SẢN

Để thuận lợi cho việc cung ứng dịch vụ sửa chữa tàu cá, Hải đoàn 129 đã liên kết, phối hợp chặt chẽ với chi cục thủy sản tất cả các tỉnh, thành Duyên hải miền Trung ngay từ khi tàu cá được đóng mới, đăng ký hoạt động đánh bắt khai thác trên vùng biển, đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Hải đoàn 129 đã cử cán bộ trực tiếp liên hệ với các chủ ghe tàu để nắm chắc về chủng loại tàu cá, các thông số kỹ thuật máy tàu, quy ước thông tin liên lạc để chủ động trong việc mua sắm, dự trữ vật tư thay thế. Ngoài việc giúp đỡ bà con ngư dân sữa chữa, cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, cán bộ, chiến sỹ, nhân viên của Trung tâm còn làm tốt công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, tuyên truyền về pháp luật đánh bắt thủy sản; kịp thời cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ, động viên bà con yên tâm bám biển, giữ vững môi trường hòa bình trên biển.

Anh Huỳnh Phi Thắng, ngư dân Hòn Rớ, xã Phước Đồng - thành phố Nha Trang, chủ tàu mang số hiệu KH-94824TS chia sẻ: “Ngày 27/01/2018 vừa qua, khi tàu bị hỏng máy, anh em trên tàu ai cũng lo lắng, bởi một chuyến ra khơi xa kéo dài hàng tháng trời, kinh phí đầu tư rất lớn. Vì tàu hỏng máy, nếu không khắc phục được phải đưa về bờ sửa chữa, mất thời gian và chi phí rất tốn kém.Nhưng nhờ có âu tàu đảo Sinh Tồn, tàu của chúng tôi được lai dắt và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm sửa chữa tận tình. Những sự cố như hỏng máy tàu, gãy chân vịt, gãy trục các đăng… là tai nạn thường xảy ra đối với các tàu cá, chưa kể những khi sóng to, gió lớn, nếu không có nơi tránh trú an toàn thì tính mạng của ngư dân rất nguy hiểm”.

GIÚP NGƯ DÂN CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI CƠN BÃO SỐ 9

Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Văn Bỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Hậu cần-Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, cho biết: “Sau khi nhận được Công điện chỉ đạo của Sở Chỉ huy các cấp, thông báo tin áp thấp nhiệt đới khi vào Biển Đông sẽ mạnh lên thành bão số 9. Dự kiến hướng đi của bão sẽ đi qua và đổ bộ lên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã nhanh chóng triển khai các phương án phòng, chống bão số 9. Trung tâm đã liên lạc và hướng dẫn các tàu cá vào neo đậu tại Âu tàu, sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho bà con vào tránh bão. Đến 17h chiều ngày 21/11/2018, đã có hơn 30 tàu cá, với 512 ngư dân các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu vào trú, tránh bão số 9 tại Âu tàu đảo Sinh Tồn an toàn. 


Tàu cá của ngư dân tránh trú bão số 9 an toàn tại Âu tầu đảo Sinh tồn

Là một trong số các ngư dân vào trú, tránh bão, ông Đinh Văn Lực, Thuyền trưởng tàu cá QNg 96435TS, trú tại xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xúc động nói: “Khi nhận được thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về diễn biến của áp thấp có thể mạnh lên thành bão số 9 đổ bộ vào Biển Đông, bà con chúng tôi đã chủ động liên lạc với Trung tâm Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn để vào âu tàu tránh bão. Khi vào đến đây, bà con đã được cán bộ, chiến sỹ, nhân viên Trung tâm hướng dẫn neo đậu, tạo điều kiện chỗ ăn, nghỉ đàng hoàng, lịch sự. Cảm ơn bộ đội Hải quân đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân vào tránh bão an toàn, yên tâm đánh bắt xa bờ trong mùa mưa bão. Nếu không có âu tàu này, không biết chúng tôi sẽ ra sao...”.

LỜI KẾT

Ngoài âu tàu ở đảo Sinh Tồn và 2 làng chài tại đảo Núi Le, Tốc Tan do Hải đoàn 129 quản lý, còn có âu tàu đảo Song Tử Tây do Hải đoàn 128 quản lý; âu tàu đảo Đá Tây thuộc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. 

Có thể khẳng định, hoạt động của các Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên quần đảo Trường Sa thật sự là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, hoạt động dài ngày trên biển, mỗi khi ngư dân ghé thăm, sữa chữa tàu thuyền, tiếp nhiên liệu, tránh trú bão, cũng chính là niềm vui, niềm động viên cán bộ, chiến sỹ, góp phần thắt chặt tình quân dân trên biển đảo. Những con tàu của bà con ngư dân hoạt động trên biển, chính là những cột mốc sống, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Hồng Thu