Thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch năm 2019, Tổng cục Du lịch tổ chức Chương trình Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch biển đảo với sự tham gia của các nhà quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Trong 5 ngày từ 18 đến 22/6/2019, đoàn thực hiện khảo sát, đánh giá tiềm năng và thực trạng khai thác các sản phẩm du lịch trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi về: Cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống, bản sắc văn hóa, cảnh quan tự nhiên, sản phẩm du lịch đặc trưng, vệ sinh môi trường... Trên cơ sở đó định hướng xây dựng và làm mới, làm phong phú sản phẩm du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch biển đảo vốn được coi là thế mạnh của các địa phương; đẩy mạnh liên kết và phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, có sức cạnh tranh trong nước và trong khu vực.
Chiều 21/6, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra Tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo các tỉnh miền Trung” với sự tham dự của gần 100 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, đại diện của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên cả nước; đại diện các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn hai tỉnh.
KHAI THÁC HIỆU QUẢ HƠN TIỀM NĂNG DU LỊCH PHONG PHÚ
Ông Nguyễn Đạo Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) khẳng định du lịch biển đảo là một trong những loại hình du lịch có sức hấp dẫn và phát triển mạnh mẽ bậc nhất ở nhiều quốc gia. Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch biển đảo khi sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo, với những bờ cát trắng, vịnh biển hoang sơ, những hòn đảo nhiệt đới quanh năm tươi tốt.
Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á, có tới 125 bãi biển mà hầu hết là các bãi tắm đẹp, trải dài từ Bắc tới Nam, trong đó chủ yếu tập trung tại khu vực miền Trung. Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là Hạ Long, Nha Trang.
Bên cạnh đó, lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo, nơi diễn ra du lịch biển đảo và vùng ven biển tập trung tới 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên…
Từ bao đời nay, biển đảo không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống, mà còn là không gian để cộng đồng người Việt tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những di sản văn hóa đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử-văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống thần linh biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển...; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa... Ðây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển đảo bền vững.
Với việc thu hút khoảng 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển đảo hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, phát triển mạnh mẽ góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Song theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lớn của du lịch biển, đảo Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đạo Dũng, thực tế cho thấy, du lịch biển, đảo ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Dịch vụ du lịch còn thiếu, nghèo nàn; sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng; an ninh trật tự và việc quản lý giá tại một số khu, điểm du lịch chưa đảm bảo; quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh…
Từ thực tế khảo sát, mục sở thị các điểm du lịch những ngày qua, các đại biểu tham gia trao đổi, ý kiến, cùng định hướng giải pháp phát triển sản phẩm du lịch biển đảo.
Đại diện các đơn vị lữ hành đã cùng trao đổi, đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, thực trạng khai thác sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch đã khảo sát, đồng thời xem xét khả năng hình thành các tuyến du lịch và các chương trình du lịch, từ đó đề xuất định hướng khai thác một cách hợp lý các điểm du lịch và dịch vụ du lịch tại các địa phương.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đánh giá vai trò của việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong vùng, nêu các ý tưởng, đề xuất các sáng kiến về xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch. Các doanh nghiệp du lịch và các nhà cung cấp dịch vụ tại các điểm đến cần làm những gì để tăng mối liên kết, hình thành sản phẩm chất lượng cao, có trách nhiệm.
Với những vấn đề quan tâm của từng thị trường khách cụ thể đối với sản phẩm du lịch trên tuyến, các đơn vị lữ hành đã đề xuất một số giải pháp đặc thù trong việc phát triển sản phẩm du lịch trên tuyến đối với từng thị trường khách.
Những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt khi tổ chức, thực hiện chương trình du lịch trên tuyến và những vấn đề các địa phương cần lưu ý trong việc cung cấp dịch vụ cho khách du lịch cũng đã được chia sẻ.
Các ý kiến, đề xuất cụ thể từ các đại biểu và các doanh nghiệp sẽ khiến cho Tổng cục Du lịch và các sở, ban, ngành địa phương khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch phong phú của tuyến, tạo sự chuyển biến căn bản và những bước phát triển bứt phá trong thời gian tới, góp sức đưa du lịch biển đảo phát triển xứng tầm tiềm năng.
LÀM DU LỊCH PHẢI BẮT ĐẦU TỪ NGƯỜI LÀM DU LỊCH
Chị Phạm Thanh Tâm, Trưởng phòng Du lịch trong nước Vietrantour cho biết chị ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hòn đảo Lý Sơn, dù lần đầu tới nhưng chị đã rất yêu Lý Sơn và chắc chắn Vietrantours sẽ xây dựng nhiều chương trình tuyến du lịch tới Lý Sơn. Nhưng để phát triển và thu hút hơn nữa thì phải đáp ứng được về cơ sở vật chất, phải quảng bá, truyền thông tốt hơn. Mỗi cá nhân đều cần phải có trách nhiệm gìn giữ và truyền thông nhiều hơn nữa các điểm đến, không những là thắng cảnh đẹp mà còn có giá trị về lịch sử, văn hóa.
Giám đốc Công ty Du lịch Viettourist Lê Trung Thu chia sẻ rằng Lý Sơn tạo ra rất nhiều bất ngờ với anh. Lý Sơn có những tài nguyên du lịch vô cùng đặc sắc. Thứ nhất là về văn hóa lịch sử, Lý Sơn là nơi lý tưởng để tuyên truyền về truyền thống lịch sử của Việt Nam. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của những lớp cư dân Việt trên đảo hàng trăm năm qua vẫn còn đậm đặc. Về tài nguyên và địa chất, Lý Sơn là một bảo tàng mở về núi lửa. Tài nguyên về thực phẩm hải sản cũng là một điểm nhấn khẳng định thương hiệu của Lý Sơn. Con người Lý Sơn hiền hậu, hồn nhiên cũng là điểm cộng rất lớn. Với những yếu tố đó, không có lẽ gì Lý Sơn không phát triển về du lịch. Tuy nhiên, theo anh Thu, Lý Sơn cần cải thiện về giao thông trên đảo, cần quản lý tốt đất đai, bất động sản trên đảo, không để tài sản của Nhà nước trở thành của tư nhân.
Còn anh Đinh Thế Long (Kim Lien travel) lưu ý rằng chúng ta làm du lịch bài bản nhưng không có nghĩa là sơ sài, vẫn giữ được cảnh đẹp tự nhiên nhưng phải thật đẹp. Đón được nhiều khách nhưng phải xử lý rác thải, bảo vệ môi trường như thế nào, đó cũng là những điều Lý Sơn phải cân nhắc ngay trước khi phát triển mạnh du lịch.
Nói về kế hoạch phát triển du lịch của địa phương thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ: Dưới sự chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong những năm qua, du lịch Lý Sơn đã có bước khởi sắc đáng kể, lượng khách tăng cao qua các năm, môi trường được cải thiện, giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Với kết quả này, Lý Sơn có thêm niềm tin về khát vọng đưa du lịch địa phương vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới.
“Chúng tôi luôn xác định làm du lịch phải bắt đầu từ người làm du lịch, từ lời nói, nụ cười, đón tiếp chân tình, nồng hậu, từ sự kết nối giữa các tuyến, điểm du lịch trong đất liền với đảo của các công ty lữ hành. Lãnh đạo huyện luôn trân trọng sự đầu tư của các tổ chức và cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch trên địa bàn.
Quan điểm nhất quán của Lý Sơn là phát triển du lịch phải hướng đến đối tượng thụ hưởng cuối cùng là người dân địa phương và du khách. Phát triển du lịch vì mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá rộng hơn, xa hơn hình ảnh quê hương Hải đội Hoàng Sa”, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho hay./.
Nhật Nam (VGP)