Nghiên cứu chỉ ra rằng số lượng tuyến trùng sống tự do trong đất lớn hơn rất nhiều so với những nghiên cứu trước đây, do TS Nguyễn Thị Ánh Dương, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các nhà khoa học quốc tế công bố trên tạp chí Nature.
Nhóm nghiên cứu đã lấy 6.759 mẫu đất đại diện cho mọi châu lục với 73 vùng tiểu khí hậu khác nhau, với chiều sâu 15 cm đất bề mặt - vùng hoạt động sinh học mạnh nhất và tập trung mật độ tuyến trùng nhiều nhất. Kính hiển vi được dùng để phân tích mật độ của từng loại tuyến trùng để tạo ra một bộ dữ liệu toàn cầu đại diện. Phần mềm thống kê được sử dụng để xác định mức độ phong phú và đa dạng của từng loại tuyến trùng liên quan đến các điều kiện khí hậu, đất đai và thảm thực vật tại mỗi địa điểm mẫu.
Những dữ liệu này đã được sử dụng để xây dựng các mô hình dự đoán quần thể tuyến trùng cho mỗi km2, tạo ra các bản đồ có độ phân giải cao toàn cầu đầu tiên về mật độ tuyến trùng đất cùng vai trò và chức năng của chúng.
Các mẫu tuyến trùng dưới kính hiển vi điện tử quét (SEM). Ảnh: VAST.
Lần đầu tiên nghiên cứu cung cấp những bằng chứng cho thấy phần lớn tuyến trùng tập trung tại những nơi có vĩ độ cao: 38,7% tồn tại trong các khu rừng phương Bắc và lãnh nguyên trên khắp Bắc Mỹ, Scandinavia và Nga, 24,5% ở vùng ôn đới, chỉ 20,5% ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đây có thể coi là bộ dữ liệu khoa học đồ sộ nhất từ trước tới nay.
"Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng tuyến trùng phong phú và phân bố nhiều ở Bắc cực và cận Bắc cực hơn ở vùng nhiệt đới - trái ngược với những gì chúng ta nhìn thấy trên mặt đất", TS Dương nói.
Tuyến trùng đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển carbon, chất dinh dưỡng. Chúng ăn vi khuẩn, nấm, thực vật và các sinh vật đất khác, đóng vị trí mắt xích trong lưới thức ăn. Hoạt động này giúp đất được cải thiện và vận chuyển nguồn carbon tới cho cây phát triển. Tuyến trùng thường hoạt động mạnh hơn ở nhiệt độ cao hơn, do đó, quần thể tuyến trùng lớn ở Bắc cực và cận Bắc cực làm cho các khu vực này rất nhạy cảm với sự nóng lên. Các khu vực này tạo ra một kho dự trữ carbon lớn trong đất, và có thể giải phóng nhiều carbon hơn do hoạt động của động vật đất tăng lên và kéo dài mùa trồng trọt do biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Từ nghiên cứu này sẽ giúp các nhà khoa học đưa ra dự đoán tốt hơn về chu trình carbon bằng cách phát triển các mô hình phản ánh tác động của các sinh vật đất đặc biệt là nhóm tuyến trùng. Nó cũng sẽ cho phép các nhà quản lý đất đai đưa ra quyết định đúng đắn trong cuộc chiến chống mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu bằng cách xác định các loại đất cần được phục hồi.
Để có kết quả này, TS Dương đã dành hơn 10 năm nghiên cứu và thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về tuyến trùng sống trong đất ở Việt Nam, cộng tác với 70 nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực tuyến trùng học ở 57 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới cùng nghiên cứu và xuất bản công trình.
TS Nguyễn Thị Ánh Dương sinh năm 1983, tại Hà Nội, từng được học bổng toàn phần Erasmus Mundus của Liên minh Châu Âu, trị giá 48.000Euro/2 năm học tại 4 nước Bỉ, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tốt nghiệp loại xuất sắc.
Năm 2017 TS Dương được trao giải thưởng Quả cầu vàng dành cho Thanh niên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn trao tặng cho lĩnh vực công nghệ môi trường. Chị là tác giả và đồng tác giả của gần 30 bài báo quốc tế có uy tín, công bố 15 loài mới cho khoa học.
Theo VNE