“Đoàn kết – Dân chủ - Đổi mới – Phát triển”- chủ đề Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX- cũng chính là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng ...

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2024 - 2029

THỜI SỰ “Lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”

Phạm Đình Quý 28-09-2019 19:09:22 THEO DẤU CHÂN BÁC 1102+

“Đoàn kết – Dân chủ - Đổi mới – Phát triển”- chủ đề Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX- cũng chính là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng nói: “Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

2019-09-28_19-07-22jCalgF_bac-ho-gap-dong-bao-dan-toc-thieu-so--anh-tu-lieu-1048.jpg

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: T.L

1. Đoàn kết luôn là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán và mang tầm chiến lược của Bác. Thống kê từ bộ sách "Hồ Chí Minh toàn tập" cho thấy, trong toàn bộ 1.921 bài nói chuyện, bài viết của Người được in trong bộ sách có tới 839 bài, chiếm tới hơn 40%. Người đề cập đến vấn đề đoàn kết. Nghiên cứu toàn bộ di sản của Người, có thể thấy từ “đoàn kết” được Bác nhắc trên 2.000 lần và cụm từ “đại đoàn kết” trên 80 lần. Bác đặc biệt nhiều lần nhấn mạnh tới vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng, xem đó là yếu tố mang ý nghĩa quyết định đến sự sống còn của Đảng. 

Đặc biệt, trong Di chúc- tác phẩm đặc biệt nhất của cuộc đời mình- Bác đã sử dụng 8 lần từ đoàn kết với ba vấn đề: 1) Đại đoàn kết toàn dân tộc và việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. 2) Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng. 3) Đoàn kết quốc tế, hữu nghị và hợp tác.

Bác khẳng định: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền mà không đoàn kết thống nhất thì sự nghiệp cách mạng của dân tộc không thể thắng lợi.

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Ảnh: Lâm Hồng Long/ TTXVN

Một điều không thể không lưu ý rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ: Sự đoàn kết ấy phải là đoàn kết nhất trí, đoàn kết thống nhất, không phải là đoàn kết giả tạo, hình thức, mà phải thể hiện cả ở tư tưởng lẫn trong hành động. Và để có sự đoàn kết thật sự, không chỉ cần thực hiện nguyên tắc, bản lĩnh, lý trí mà còn rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau. Đó cũng chính là lý do vì sao năm 1966, Người bổ sung vào bản Di chúc cụm từ “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. 

2. Lịch sử đã chứng minh, một quốc gia, dân tộc dù nhỏ bé vẫn hoàn toàn có thể đánh bại những kẻ xâm lược lớn hơn mình về mọi mặt nếu biết đoàn kết, tập hợp sức mạnh của muôn dân.

Trên báo “Việt Nam độc lập” số ra ngày 1/2/1942, Bác đã chỉ rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”.

3 năm sau, trong thư gửi đồng bào Công giáo ngày 14/10/1945, Người một lần nữa nhấn mạnh: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Phát biểu tại lễ mừng Quốc khánh 2/9/1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”.

Và tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2 ngày 25/4/1961, Người nhắc lại câu nói đã trình bày trong cuộc Đại hội hợp nhất Việt Minh - Liên Việt năm 1951: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” như một sự đúc kết về giá trị to lớn của tinh thần đại đoàn kết. 

3. Từ đúc kết của Người, từ những dặn dò thiêng liêng của Người trong Di chúc, Đảng và Nhà nước ta đã phát huy cao độ vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc để thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc và giờ đây trong công cuộc đổi mới, hội nhập, Đảng, Nhà nước ta đã xem đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ra nghị quyết về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nội dung nghị quyết đã nêu rõ: Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam...; Đại đoàn kết dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng; Bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội và đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là tổ chức đảng...

Dĩ nhiên, như lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, "hiện nay và trong thời gian tới, tình hình thế giới biến đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là những xu thế lớn. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Khoa học, công nghệ có nhiều tiến bộ đột phá, trong đó cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh mẽ đến lực lượng sản xuất, năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, cơ cấu kinh tế - xã hội, lối sống và sinh hoạt xã hội. Ở trong nước, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên nhiều. Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và tiếp tục là những thách thức không nhỏ, tuyệt đối không được chủ quan, xem nhẹ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được khắc phục. Những diễn biến mới, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng trên Biển Đông, đe dọa hòa bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; sự chống phá của các thế lực thù địch; thiên tai, dịch bệnh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu,… là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến niềm tin của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa".

Thử thách, nguy cơ... như gió to, sóng cả... Để con tàu Việt Nam tiến nhanh, tiến xa, vững vàng trên hành trình phát triển và dựng xây, giữ gìn độc lập và chủ quyền... thì đại đoàn kết dân tộc chính là "vũ khí" đắc dụng hơn hết thảy. Như lời Người từng nói: “Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Hồng Hà