Đại tá Lê Văn Phúc (thứ hai) cùng Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thị sát trên vịnh Đà Nẵng. |
Tôi gặp Đại tá Lê Văn Phúc sau cuộc họp rút kinh nghiệm vụ việc điều tra, truy xét tàu vỏ sắt đâm chìm tàu cá QNa90191 trên biển Đà Nẵng. Dáng vẫn còn mệt mỏi của người suy nghĩ, thiếu ngủ, ông chia sẻ: đêm 8-4, trên vùng biển Đà Nẵng xảy ra vụ va chạm giữa tàu cá QNa 90191 của ông Trần Hữu Mười (trú tại Núi Thành, Quảng Nam) với 1 tàu sắt khiến tàu của ông Mười cùng 4 thuyền viên bị chìm trên biển. Điều đáng nói là sau cú tông va, tàu sắt đã bỏ đi, không tổ chức cứu người. Ngay sau khi nhận được tin, dù đang ở nhà, Đại tá Lê Văn Phúc đã ngay lập tức đến hiện trường chỉ đạo anh em tổ chức cứu nạn ngư dân. Theo nguyên tắc, BĐBP Đà Nẵng sau khi cứu nạn sẽ bàn giao hồ sơ để Cảng vụ Đà Nẵng tiếp tục điều tra nhưng ông chỉ đạo thành lập tổ công tác điều tra độc lập. Theo đó, một bộ phận có nhiệm vụ truy xét các phương tiện ra vào cảng Tiên Sa trong cùng thời điểm với các đặc điểm: tàu vỏ sắt, giống tàu chở dầu, hút cát; bộ phận khác tiến hành khai thác hệ thống định vị GPRS để xác định hành trình các phương tiện có biểu hiện nghi vấn; tổ thứ 3 sẵn sàng lên đường, phối hợp với BĐBP các tỉnh "đón lõng" tàu gây tai nạn. Vụ việc gây phẫn nộ cho nhiều người khi tàu gây tai nạn bỏ mặc 4 thuyền viên trong đêm lạnh giữa biển khơi càng khiến Đại tá Lê Văn Phúc thêm quyết tâm bằng mọi cách nhanh nhất tìm ra thủ phạm. Chỉ sau 1 ngày xảy ra tai nạn, tổ công tác đã phát hiện có tàu HP 4054 của ông Đồng Văn Cửu (SN 1976, trú tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng) có dấu hiệu nghi vấn và đang trên đường hành trình về Hải Phòng. Tổ thứ 3 ngay lập tức lên đường. Đến ngày 12-4, các trinh sát đã phát hiện tàu HP 4054 đang trú gió tại cảng Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tại đây, qua đấu tranh, các thuyền viên trên tàu thừa nhận đã tông va với tàu cá trong đêm 8-4. Đại tá Lê Văn Phúc yêu cầu di lý tàu HP 4054 về Đà Nẵng để tiếp tục điều tra và khắc phục hậu quả.
Mỗi lần giao ban, nghe các đơn vị báo cáo hay những lần "mạng lưới mật" báo về tình trạng gian lận thương mại trên vùng biển Đà Nẵng và câu hỏi "phải làm thế nào với tình trạng này để giữ vững được kỷ cương, pháp luật của Nhà nước cũng như niềm tin của quần chúng nhân dân với lực lượng BĐBP?" khiến Đại tá Lê Văn Phúc nhiều đêm không ngủ. Và, ông thường có những cuộc họp riêng, đột xuất với những "quả đấm thép" của BĐBP Đà Nẵng. Trước thông tin có một số phương tiện vận chuyển than từ các tỉnh phía Bắc vào Đà Nẵng có dấu hiệu không minh bạch, tháng 7/2016, Đại tá Lê Văn Phúc yêu cầu lực lượng Phòng chống tội phạm một mặt tung cán bộ ra các tỉnh phía Bắc xác minh, theo dõi, mặt khác chỉ đạo lực lượng mật đi sâu điều tra để làm rõ hoạt động hiện hành của các đối tượng. Sau gần 1 tháng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lúc 21h30 ngày 15/8, tại cảng Tiên Sa, Đại tá Lê Văn Phúc trực tiếp dẫn đầu tiến hành kiểm tra tàu Biển Đông Trader thuộc Công ty cổ phẩn vận tải Biển Đông (có hành trình từ cảng Tân Vũ, Hải Phòng), vận chuyển 28 container chứa 145,3 tấn than các loại của công ty TNHH thương mại và vận tải Đức Hoàng nhưng không xuất được hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Với chứng cứ thu thập được, lực lượng BP đã chứng minh được nguồn gốc của 145,3 tấn than trên là do công ty Đức Hoàng thu mua than khai thác trái phép ở các tỉnh phía Bắc, sau đó hợp lý hóa hồ sơ, vận chuyển vào Đà Nẵng bán cho công ty TNHH một thành viên Tấn Gia nhằm thu lợi bất chính. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, Đại tá Lê Văn Phúc đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty TNHH thương mại và vận tải Đức Hoàng 140 triệu đồng, tịch thu 145,3 tấn than, bán đấu giá được 291 triệu đồng sung vào công quỹ Nhà nước.
4 tháng sau, Đại tá Lê Văn Phúc 1 lần nữa lại trực tiếp cùng anh em phá án trên biển. Do mức chênh lệch giá xăng dầu trong nước và quốc tế cao nên các đối tượng không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào để làm ăn phi pháp, làm ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của đất nước. Đại tá Lê Văn Phúc thành lập 1 tổ công tác đặc biệt, lựa chọn những trinh sát giàu kinh nghiệm, sức khỏe tốt để bám trụ dài ngày trên tuyến đường hàng hải quốc tế nhằm nắm chắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động của đối tượng. Sau hơn 2 tháng lênh đênh trên biển trong những cơn đưa đẩy của những đợt gió mùa Đông Bắc, tháng 11/2016, các trinh sát BP đã nắm được phương thức, thủ đoạn: các đối tượng trong nước câu kết với đối tượng ở nước ngoài vận chuyển xăng, dầu từ Singapore đi Hồng Công, khi qua vùng biển Việt Nam thì sang mạn cho tàu khác vận chuyển vào đất liền tiêu thụ. Ngày 10/12, Đại tá Lê Văn Phúc nhận được thông tin của mạng lưới mật báo về có 1 tàu quốc tịch Mông Cổ vận chuyển dầu DO sẽ dừng lại ở vùng biển Đà Nẵng để "hành nghề". Nhận thấy thời cơ phá án đã đến, ngay trong đêm, Đại tá Lê Văn Phúc cùng lực lượng chức năng rời Sở chỉ huy và những con tàu sắt biên phòng lặng lẽ nhổ neo hướng về phía mặt trời mọc. 14h30, ngày 11/12, tại tọa độ 16 độ 07'35" độ vĩ Bắc- 108 độ 11'34" độ Kinh Đông, tàu của BĐBP Đà Nẵng bất ngờ áp sát, tiến hành kiểm tra tàu Ji Xiang, quốc tịch Mông Cổ, do ông Denison Tadete, (SN 1961, quốc tịch Indonesia) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, tàu JiXiang vận chuyển 1.964,046 m3 dầu DO nhưng không xuất trình được giấy tờ theo quy định. Kết quả, thuyền trưởng Denison Tadete bị lực lượng BĐBP Đà Nẫng phạt vi phạm hành chính số tiền 52,5 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số dầu, bán đấu giá được gần 16 tỷ đồng sung công quỹ Nhà nước.
Kể xong câu chuyện, Đại tá Lê Văn Phúc thở như hắt ra nhưng kèm sau đó là nụ cười như vừa trút bớt được một phần gánh nặng. Tôi đề nghị ông kể thêm chuyện những lần "xông trận" cùng anh em "đánh án" ngăn cái chết trắng vào thành phố biển bởi trong 2 năm trở lại đây, BĐBP Đà Nẵng liên tục lập chiến công, bắt hàng chục vụ ma túy, thu giữ hàng trăm gram heroin, ketamin, 8.5kg cỏ Mỹ cùng nhiều tang vật khác. Ngược lại với sự háo hức của tôi, người lính trinh sát lão luyện chỉ từ tốn pha chút dí dỏm, ông bảo: "Nghiệp vụ ấy còn phải giữ bí mật để tiếp tục lập các chuyên án, có thế mới bắt được nhiều tội phạm hơn nữa, có như vậy nhắc đến Biên phòng, tội phạm sẽ hồn bay phách lạc".
Trúc Hà
Nguồn: dangbodanang.vn