Đồng chí Phùng Chí Kiên (1901 - 1941), tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần, nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ ...

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2024 - 2029

Đồng chí Phùng Chí Kiên - Người chiến sĩ cộng sản tài ba, lỗi lạc (18/5/1901 – 18/5/2021)

Phạm Đình Quý 18-05-2021 14:05:00 THEO DẤU CHÂN BÁC 622+

Đồng chí Phùng Chí Kiên (1901 - 1941), tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần, nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Được cha mẹ cho ăn học, sau khi đỗ sơ học, đồng chí Phùng Chí Kiên phải nghỉ học sớm để làm ruộng giúp gia đình.

2021-10-21_07-18-01pLCOJ3_18-05-2021-dong-chi-phung-chi-kien-nguoi-chien-si-cong-san-tai-ba-loi-lac-1851901-1852021-D5B53BCF-details.jpg

Năm 1925, đồng chí Phùng Chí Kiên tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tháng 10 năm 1926, đồng chí được giới thiệu sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tổ chức. Sau khi học xong, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học Trường Quân sự Hoàng Phố (khóa 5) với tên là Mạch Văn Liễu. Tháng 10 năm 1927, đồng chí tham gia khởi nghĩa Quảng Châu, do có khả năng về quân sự, đồng chí được các đồng chí Trung Quốc bổ nhiệm làm Liên trưởng (Đại đội trưởng). Tháng 12 năm 1929, đồng chí Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó được điều đến làm việc tại Trường Quân chính của Hồng quân Trung Quốc. Hoạt động trong Hồng quân, đồng chí Phùng Chí Kiên đã tham gia 50 trận đánh chống quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch.

Cuối năm 1930, đồng chí Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1931, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Trên đường đi, đồng chí bị địch bắt giam gần 1 năm (từ tháng 3 năm 1931 đến tháng 01 năm 1932). Tháng 4 năm 1932, đồng chí Phùng Chí Kiên bí mật sang Liên Xô, vào học Trường Đại học Phương Đông (khóa 6, từ 1932 đến tháng 3 năm 1934) với tên Nga là Kan. Tại đây, cùng các môn học khoa học xã hội, quân sự, đồng chí còn tranh thủ học thêm môn Toán, Vật lý, thành thạo mật mã quân sự và vô tuyến điện.

Sau khi tốt nghiệp, đồng chí Phùng Chí Kiên về Trung Quốc, cùng Ban Chỉ huy hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương chuẩn bị và triệu tập Đại hội Đảng lần thứ nhất tại Ma Cao. Đại hội đã bầu đồng chí Phùng Chí Kiên vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ.

Tháng 8 năm 1936, đồng chí Phùng Chí Kiên về nước hoạt động. Từ ngày 25 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 năm 1937, đồng chí tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (mở rộng) tại Bà Điểm, Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Tháng 10 năm 1937, theo sự phân công của Đảng, đồng chí Phùng Chí Kiên rời Sài Gòn trở lại Hong Kong thay cho đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động. Đầu năm 1940, đồng chí Phùng Chí Kiên gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Côn Minh.

Đầu tháng 1 năm 1941, tại Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), đồng chí Phùng Chí Kiên được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao phụ trách lớp huấn luyện cho hơn 43 thanh niên để trở về nước hoạt động, xây dựng cơ sở và phong trào cách mạng. Vừa phụ trách lớp học, đồng chí vừa trực tiếp biên soạn tài liệu về phần quân sự, về khởi nghĩa vũ trang và du kích. Những bài giảng cho lớp học này là một tài liệu quý cho các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy học tập và nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn Cách mạng tháng Tám sau này.

Ngày 28 tháng 1 năm 1941, đồng chí Phùng Chí Kiên đi cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (Cao Bằng), đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, phụ trách công tác quân sự của Đảng và được cử trực tiếp làm Tổng Chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn – Vũ Nhai. Tại đây, tháng 6 năm 1941, Đội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Đây là Trung đội Cứu quốc quân I, do đồng chí Phùng Chí Kiên làm Chỉ huy trưởng.

Tháng 7 năm 1941, thực dân Pháp huy động hơn 4.000 quân càn quét Khu căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai. Đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân I cùng nhân dân chống địch càn quét để các đồng chí Trung ương rút khỏi vòng vây về khu an toàn.

Tháng 8 năm 1941, lực lượng Cứu quốc quân rút khỏi căn cứ Bắc Sơn chia thành hai bộ phận: Bộ phận thứ nhất do đồng chí Hoàng Văn Thái chỉ huy rút lên biên giới Việt - Trung an toàn. Bộ phận thứ hai do đồng chí Phùng Chí Kiên và đồng chí Lương Văn Tri chỉ huy rút từ Khuổi Nọi (Bắc Sơn, Lạng Sơn) lên châu Na Rì, Ngân Sơn (Bắc Kạn) thì bị địch phục kích. Cứu quốc quân đã anh dũng đánh trả, tiếp tục hành quân. Đến làng Khau Phàn, xã Bằng Đức, châu Ngân Sơn, đội lại bị phục kích. Mặc dù bị thương nặng, đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn kiên cường chiến đấu để các đội viên thoát khỏi vòng vây. Sau đó, đồng chí đã anh dũng hy sinh vào ngày 21 tháng 8 năm 1941.

Hai năm sau ngày đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh, Báo Cờ Giải phóng đăng bài: “Gương hy sinh nhớ tiếc anh Phùng” của Sóng Biển. Bài báo có đoạn viết “Thế là một chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình… Cái chết của anh thật là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo nỗi thương tiếc cho các đồng chí. Anh Phùng đã mất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông” (Báo Cờ Giải phóng, ngày 26 tháng 8 năm 1943).

Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Phùng Chí Kiên đối với Đảng và quân đội, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định truy phong hàm cấp tướng cho đồng chí. Đồng chí là một tấm gương đức độ, mẫu mực, một nhà quân sự tài năng của Đảng. Phùng Chí Kiên là người lãnh đạo văn võ song toàn, không chỉ cùng Trung ương giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong những năm khó khăn nhất khi địch đàn áp khốc liệt, đồng chí còn là người trực tiếp tham gia củng cố tổ chức Đảng ở trong và ngoài nước, góp phần khôi phục phong trào và trực tiếp chuẩn bị, tham gia cao trào cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám.

Người chiến sĩ Phùng Chí Kiên đã dành trọn cuộc đời cho cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng và Nhân dân. Để tôn vinh đồng chí Phùng Chí Kiên, quê hương Nghệ An đã xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí Phùng Chí Kiên. Tên đồng chí đã được đặt cho nhiều con đường ở Hà Nội, Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM