Ngày 28.1.1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người cũng mang về cho cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam những nhân tố mới thúc đẩy cách mạng tiến lên ...

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/04/1975 - 30/04/2023) - NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5 - NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG (10/3 ÂM LỊCH)

Cách đây 80 năm, ngày 28.1.1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó là cuộc trở về đón trước thời cơ lịch sử.

Phạm Đình Quý 28-01-2021 06:01:00 THEO DẤU CHÂN BÁC 999+

Ngày 28.1.1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người cũng mang về cho cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam những nhân tố mới thúc đẩy cách mạng tiến lên mạnh mẽ: Mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang cách mạng và những mối quan hệ quốc tế đầu tiên.

2021-10-21_06-59-232c8rGh_1_stgf.jpg

Ngày 28.1.1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về nước và ở tại Pác Bó (Cao Bằng), trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Dự đoán lạc quan những bước ngoặt của tình thế

Ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ, khởi hành từ làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc lên đường về tới cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung, thuộc địa phận xã Trường Hà, H.Hà Quảng, Cao Bằng... Bên cột mốc biên giới, Người đứng lặng hồi lâu xúc động (1).

Trong tháng 2.1941, khi trời đẹp, đồng bào ở Pác Bó thấy “già Thu” làm việc bên dòng suối nhỏ trong xanh. Năm đó, đồng bào không thể biết được rằng “già Thu” chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đầu năm 1941, tình hình thế giới không mấy lạc quan, phe phát xít đang thắng thế, các lực lượng tiến bộ đang ở thế bất lợi song Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: lực lượng tiến bộ sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít và sẽ tạo ra những cơ hội quý báu cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách trở về Tổ quốc, đón trước những bước ngoặt của tình thế đã được Người dự đoán.

Thời điểm này, Nguyễn Ái Quốc có hai bài thơ vịnh cảnh Pác Bó với khung cảnh nước non hùng vĩ và cuộc sống giản dị đơn sơ nhưng đầy hùng khí của người chiến sĩ cách mạng với những cảm tác bay bổng:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Tức cảnh Pác Bó)

Non xa xa, nước xa xa.

Nào phải thênh thang mới gọi là.

Đây suối Lênin, kia núi Mác.

Hai tay xây dựng một sơn hà.

Pác Bó hùng vĩ(2)

Những nhân tố mới chưa từng có

Ngày 19.5.1941, giữa vùng núi rừng Pác Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời, tập hợp đông đảo nhân dân trong những Hội Cứu quốc. Các Hội Cứu quốc hoạt động dưới sự lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh. Thông qua Mặt trận Việt Minh, với những Hội Cứu quốc đông đảo và rộng khắp, Đảng gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Và cũng qua Mặt trận Việt Minh, những chủ trương của Đảng đã nhanh chóng đi vào phong trào quần chúng. Mặt trận Việt Minh là sợi dây nối liền mối quan hệ chặt chẽ dân - Đảng, Đảng - dân, để ý Đảng thấm tới lòng dân, để Đảng có thể phát động một cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân trên địa bàn cả nước.

Hội nghị T.Ư 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì (tháng 5.1941) nhận định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang...” (3). Người cũng dự kiến phương thức tiến hành khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa: “Ở các nước Âu Mỹ, cuộc khởi nghĩa thường bắt đầu từ các cuộc đấu tranh chính trị rồi mới tiếp đến các cuộc vũ trang bạo động. Ở Đông Dương ta, khởi nghĩa có thể bùng ra ở một vài nơi rồi lan dần khắp nước. Khởi nghĩa có thể bùng ra ở nơi nhiều núi rừng tiện cho việc đánh du kích” (4).

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Người, trong những năm 1941 - 1944, những đội du kích, đội tự vệ được xây dựng ở nhiều xã, nhiều huyện thuộc tỉnh Cao Bằng. Lực lượng này là nòng cốt hỗ trợ cho phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng đang dâng cao trong các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên.

Cuối năm 1944, Người cũng chỉ đạo trực tiếp việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân “ Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc vào Nam, khắp đất nước Việt Nam” (5). Đây là đội quân chính quy đầu tiên của cách mạng, đánh dấu mở đầu lịch sử vinh quang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc về nước cũng mang về những nhận định mới về tình hình thế giới và đề ra sách lược đối ngoại cho cách mạng Việt Nam. Người tìm cách kết nối cách mạng Việt Nam với lực lượng Đồng minh và đã thiết lập được những mối quan hệ với các lực lượng chống Nhật ở Trùng Khánh, rồi với các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ ở Côn Minh. Các đội du kích cách mạng ở Cao Bằng cũng đã nhận được sự hỗ trợ về vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc và cả sự huấn luyện quân sự của một số chuyên gia Mỹ. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam đồng hành với cuộc chiến đấu của lực lượng Đồng minh chống phát xít Nhật. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam cũng có những đóng góp thiết thực trong cuộc chiến đấu chống phát xít của cả thế giới.

Thống nhất và có những bước phát triển mới

Hội nghị T.Ư 8 là hội nghị thứ hai do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, 11 năm sau khi Người chủ trì Hội nghị Hợp nhất thành lập Đảng trong mùa xuân Canh Ngọ 1930. Hội nghị này là dấu mốc Đảng Cộng sản Việt Nam trở lại với đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc. Kể từ đó, “tư tưởng của Người và đường lối của Đảng là thống nhất và có những bước phát triển mới, toàn diện, hoàn chỉnh, đáp ứng những yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam (6). Đảng đã trở lại với đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam như tinh thần của Cương lĩnh đầu tiên - đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc lên trên, trở lại với những luận điểm đúng đắn trong tư tưởng  Hồ Chí Minh - coi chủ nghĩa dân tộc chân chính là một “động lực lớn của đất nước” cần được phát huy sức mạnh.

Để có bước phát triển mới trong nhận thức lý luận và chỉ đạo thực tiễn, Đảng đã phải vượt qua những rào cản đã có từ giai đoạn trước vẫn còn in dấu. Đó là cuộc đấu tranh giữa cái cũ - “tả” khuynh, giáo điều, biệt phái, cô lập và cái mới - sáng tạo, mềm dẻo, đoàn kết để giành thắng lợi.

Nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã thống nhất nhận định rằng: Hồ Chí Minh là một lãnh tụ luôn xuất hiện đúng lúc tại những thời điểm lịch sử mang tính bước ngoặt. Sự kiện Người trở về Việt Nam trong mùa xuân năm 1941 cũng là một sự kiện như vậy.

Theo thanhnien.vn