Anh Sơn (bìa phải) làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch để kiểm soát người và phương tiện qua lại. Ảnh: L.P |
Xung phong vào “điểm nóng”
Trưa đứng bóng, chúng tôi gặp Sơn khi anh đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch ngã tư Tôn Đản - Lê Trọng Tấn. Đập vào mắt chúng tôi là chàng thanh niên với nước da ngăm đen rắn rỏi, đôi mắt lanh lợi.
Từng lượt người đi tới, anh ra hiệu dừng xe, đo thân nhiệt các chủ phương tiện rồi cẩn thận kiểm tra giấy đi đường. Với những giấy đi đường hợp lệ, anh Sơn cúi chào, cảm ơn rồi mời người dân qua chốt. Trường hợp giấy tờ không đủ điều kiện, anh nhẹ nhàng giải thích, yêu cầu người dân quay về. Cứ thế, ngày qua ngày, anh miệt mài với công việc tại chốt kiểm soát dịch.
Anh Sơn cho biết, mỗi ngày, anh có mặt tại chốt kiểm soát từ 6 giờ sáng và làm việc đến 14 giờ chiều. Khi có lệnh tăng cường từ các điểm khác, anh lập tức lên đường hỗ trợ. “Ngã tư Lê Trọng Tấn - Tôn Đản là trục đường chính nên lượng xe qua lại mỗi ngày rất lớn.
Vì thế, nhiệm vụ của các thành viên tại chốt kiểm soát rất vất vả. Hầu như ca trực nào chúng tôi cũng mệt rã hai chân vì phải đi lại liên tục. Chưa kể, vì phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao”, anh Sơn bộc bạch.
Dù thời tiết nắng nóng và làm việc liên tục trong thời gian dài khá vất vả nhưng anh Sơn chưa từng rời nhiệm vụ. Trong ảnh: Anh Sơn (bìa phải) kiểm tra giấy đi đường của người dân. Ảnh: L.P |
Vất vả, khó khăn là vậy nhưng chưa ngày nào anh rời vị trí hay trễ nải trong công việc. Thời gian đầu, cả nhà ai cũng can ngăn vì nguy hiểm. Thế nhưng, anh thuyết phục rằng nếu ai cũng sợ nguy hiểm, khó khăn thì lấy ai tham gia phòng, chống dịch nên dần dần mọi người ủng hộ.
“Tôi là thanh niên trẻ, khỏe nên không thể ở nhà để người khác bảo vệ mình. Bản thân mình phải có trách nhiệm với cộng đồng. Chưa kể, tôi đi làm nhiệm vụ cũng chính là để bảo vệ gia đình, vợ con mình”, anh Sơn nói.
Với suy nghĩ ấy, gần 2 năm nay, anh Sơn luôn có mặt khắp các “điểm nóng” phòng, chống dịch. Từ trực chốt khu phong tỏa, chốt có ca dương tính đến chốt kiểm soát dịch; từ hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 đến bưng bê, vận chuyển hàng hóa giúp người dân trong khu cách ly, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Lan tỏa lòng nhân ái
Mới đây, trong lúc trực chốt kiểm soát, anh Sơn gặp một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Anh kể, trưa hôm ấy, lực lượng làm nhiệm vụ ra hiệu dừng một chiếc xe máy cũ. Trên xe là đôi vợ chồng và hai đứa trẻ, một bé 3 tuổi và một bé mới 2 tuần tuổi.
"Qua hỏi thăm được biết, họ quê ở huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) ra Đà Nẵng ở trọ, làm thuê. Tuy nhiên dịch bệnh ập đến, người chồng mất việc. Người vợ mới sinh con nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhắm không trụ nổi lại Đà Nẵng, họ liều mình chạy xe máy về quê”, anh Sơn kể lại.
Anh Sơn (bìa phải) tặng sữa và kinh phí giúp đôi vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: L.P |
Tuy nhiên, theo anh Sơn, hai vợ chồng không có giấy tờ đầy đủ nên không được phép ra đường và yêu cầu họ quay về phòng trọ. Nhìn cảnh người mẹ ôm con nhỏ mới 2 tuần tuổi, cả đội trực ai cũng chạnh lòng. Cũng là người cha có con nhỏ 8 tháng tuổi, anh Sơn không khỏi xót xa.
Qua trò chuyện, anh biết được người mẹ không đủ sữa, đứa bé mới 2 tuần tuổi phải dùng sữa ngoài. Anh chạy vội về nhà lấy túi sữa mẹ trữ đông của con mình, bọc lại cẩn thận cho đứa trẻ sơ sinh. Anh còn ghé tiệm tạp hóa gần đó mua thêm thùng sữa cho cháu nhỏ 3 tuổi.
Trước khi tạm biệt họ, anh biếu thêm cho đôi vợ chồng 500.000 đồng, dặn đi về dọc đường ghé mua ít gạo, thức ăn. “Lúc ấy tôi chỉ còn đúng chừng đó tiền trong túi. Ước gì tôi có nhiều hơn để có thể giúp được họ thêm được phần nào…”, anh Sơn bỏ lửng câu nói.
Từ câu chuyện anh Sơn kể, chúng tôi tìm đến căn phòng trọ của đôi vợ chồng trên đường Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu). Anh Nguyễn Minh Tuấn - người chồng trong câu chuyện - cho biết, nhờ túi sữa trữ đông và thùng sữa anh Sơn hỗ trợ, hai bé nhà anh đỡ khát sữa, quấy khóc. Số tiền anh Sơn và lực lượng trực chốt hỗ trợ, vợ chồng anh mua ít gạo, mì gói ăn tạm, đợi khi dịch bệnh ổn định sẽ về quê.
“Anh Sơn đưa số điện thoại, dặn chúng tôi nếu bé hết sữa cứ gọi anh mang đến. Chúng tôi không biết cảm ơn thế nào cho đủ. Những lúc khó khăn, thiếu thốn thế này mới thấy cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp, tình người vẫn luôn đong đầy”, anh Tuấn xúc động, nói.
LAM PHƯƠNG
Theo baodanang.vn