“Chàng kỹ sư chân đất” - đó là cách gọi vui nhưng đầy trìu mến của các hộ dân trồng nấm Đà Nẵng dành cho anh Nguyễn Văn Linh (29 tuổi), kỹ sư chuyên ngành Công nghệ sinh học, phụ ...

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/04/1975 - 30/04/2023) - NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5 - NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG (10/3 ÂM LỊCH)

Nguyễn Văn Linh: Chàng kỹ sư trẻ đam mê với cây nấm

Phạm Đình Quý 18-01-2021 18:01:00 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ... 202+

“Chàng kỹ sư chân đất” - đó là cách gọi vui nhưng đầy trìu mến của các hộ dân trồng nấm Đà Nẵng dành cho anh Nguyễn Văn Linh (29 tuổi), kỹ sư chuyên ngành Công nghệ sinh học, phụ trách Phòng Công nghệ sản xuất nấm, thuộc Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng.

2021-10-27_09-55-19HxKTek_1492569330646_12.jpg

Anh Nguyễn Văn Linh hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nấm.


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tuyên Quang nhưng Linh đã sớm bén duyên với mảnh đất Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp bằng loại ưu chuyên ngành công nghệ thực phẩm Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng (năm 2008), Linh được nhà trường giữ lại công tác. Ấp ủ ước mơ đem kiến thức được học để áp dụng vào thực tiễn, giúp các hộ nông dân ổn định cuộc sống bằng nghề trồng nấm, Linh đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng sự phát triển của công nghệ sinh học để mang lại giá trị cao trong sản xuất nấm.

Nhận thấy, việc lấy giống nấm ở viện di truyền Hà Nội của các hộ nông dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận vừa mất nhiều thời gian vận chuyển, vừa tốn kém tiền bạc, Linh đã cùng với các đồng nghiệp mày mò, nghiên cứu tự sản xuất nấm giống. Với đức tính chịu khó, cẩn thận, không ngừng học hỏi, tìm kiếm cái mới, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng nghiệp; năm 2009, giống nấm mang thương hiệu “Made in” Đà Nẵng ra đời giúp tiết kiệm chi phí khá nhiều cho sinh viên trường khi thực hành và giảm giá thành sản xuất cho bà con nông dân. Năm 2012, Linh tiếp tục thực hiện thành công đề tài nghiên cứu cấp trường về trồng thử nghiệm một loài nấm ăn mới du nhập vào địa phương, được nhà trường đánh giá cao, đưa vào áp dụng và đến nay, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, giống nấm do Linh và các đồng nghiệp nghiên cứu đã cung cấp cho khoảng hơn 30 hộ nông dân, 5 hợp tác xã trên địa bàn thành phố và một số tỉnh thành lân cận sử dụng.

Bên cạnh việc nghiên cứu nấm giống, Linh còn tích cực tham gia hoạt động tổ chức và phát triển ngành nghề cho các hộ nông dân trong nghề nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Từ năm 2008 đến nay, Linh đã trực tiếp tham gia đào tạo nhiều lớp ngắn hạn và dài hạn “Vi Nhân giống và sản xuất nấm” cho các hộ nông dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đối với những hộ dân trồng nấm lần đầu, Linh thường xuyên đến tận nơi, giúp các hộ dân kiểm tra kỹ từng bao nấm được cấy trồng có đảm bảo kỹ thuật không, rồi tỷ mỷ hướng dẫn cho bà con nông dân cách chăm bón để nấm đạt hiệu quả năng suất cao. Với sự hướng dẫn nhiệt tình trong quá trình đào tạo và sự hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm của Linh, đã có trên 50 hộ dân tại các địa phương thuộc thành phố Đà Nẵng như Hòa tiến, Hòa Liên, Hòa Phong (huyện Hòa Vang); Hòa Qúy (quận Ngũ Hành Sơn)... và nhiều hộ dân ở các tỉnh khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Huế, Quảng Trị đã phát triển nghề nấm, ổn định cuộc sống.

Say mê nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.


Linh chia sẻ “Nghiên cứu và chăm sóc những cây nấm là niềm đam mê, đã ăn sâu vào tâm can mình, nhiều khi bỏ ăn, bỏ ngủ cũng vì nấm; nhất là khi hộ dân được chuyển giao công nghệ trồng nấm nhưng năng suất đạt thấp do sai kỹ thuật, bản thân luôn trăn trở, tìm bằng được được nguyên nhân để giúp bà con nông dân thì mới thấy yên tâm”. 

Ngoài nghiên cứu chuyên môn, Linh còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào Đoàn Trường. Với vai trò là Ủy viên Ban Ban Thường vụ Đoàn trường, phụ trách công tác dân vận, tình nguyện của Đoàn trường, Linh luôn năng nổ, xông xáo trong các hoạt động phong trào của Đoàn trường và Đoàn cấp trên phát động.

Với 6 lần tham gia hiến máu nhân đạo và những kết quả đạt được sau những nỗ lực, cố gắng, Linh đã được Thành Đoàn Đà Nẵng tặng 1 Bằng khen, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của năm 2013 cho Nhà nông trẻ xuất sắc năm 2013 và nhiều giấy khen của Trường, Đoàn Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng. 

Khi được hỏi về cái tên “Chàng kỹ sư chân đất”, Linh gãi đầu, cười và giãi bày “chắc do đặc thù công việc, thường xuyên phải làm việc với đất và mùn cưa, phải đi chân đất hoặc dép lê làm việc nên mọi người gọi em như vậy”.

Dẫu biết vậy, song tôi nghĩ, đó không chỉ cách gọi đơn thuần phù hợp với đặc thù công việc, mà đó là tình cảm yêu quý của bà con nông dân và đồng nghiệp dành cho Linh, chàng trai hết lòng với cây nấm.

Uyên Lê

Nguồn: dangbodanang.vn